[ Truyện mới · RSS ] |
Thư viện online Phòng đọc trực tuyến Truyện ngắn Tâm hồn cao thượng (nhiều tác giả) |
Tâm hồn cao thượng |
MỤC LỤC 1. LỜI GIỚI THIỆU 2. CHẮT LỌC GIỮA ĐỜI 3. CHÚNG TA LÀ ĐÀN ÔNG 4. CHIM MỒI NGÀY ẤY 5. MỘT QUYẾT ĐỊNH DANH DỰ 6. CHIẾN DỊCH SS10 7. CÂY MẬN TRƯỚC SÂN NHÀ 8. BỌN TRẺ XÓM CỐNG 9. NƠI CÓ CHỖ MẸ NẰM 10. CON “QUỈ” GÙ 11. LÀM CÔNG QUẢ 12. DƯỚI GIÀN HOA GIẤY 13. BÀ CỌP 14. MỘT ĐỨA CON, HAI NGƯỜI CHA 15. CHỨA CHAN TÌNH MẸ 16. NHẬT KÝ VỀ MẸ 17. HẬU SỰ 18. NGƯỜI BÁN TUỔI THƠ 19. BỐN NĂM CÕNG BẠN ĐI HỌC 20. CÂY VIẾT MÁY 21. CHỈ ĐƠN GIẢN LÀ… 22. CON HEO ĐẤT 23. ANH VÀ EM… & TÌNH YÊU 24. CÓ MỘT CÁN BỘ ĐOÀN NHƯ THẾ 25. THẦY HAI LIỆU 26. BÁC NĂM 27. NGƯỜI Ở TRƯỜNG 28. CÁI TÂM CỦA NGƯỜI ĐÁNH CÁ 29. BẾN ĐỖ 30. CHUYỆN CỦA BA NGƯỜI 31. KHÔNG CHỈ SỐNG VÌ MÌNH 32. TIẾNG RAO ĐÊM
admin đăng vào lúc 5:26 PM, ngày 16-03-2014. |
CHÚNG TA LÀ ĐÀN ÔNG Đăng Nguyên
Khi xa nhà là lúc con nhớ về cha mẹ nhất. Con tự hỏi đã bao lần con viết thư về nhà nhưng chưa bao giờ con viết riêng cho mẹ cả, người mà con chưa làm được gì để tỏ lòng biết ơn dù đã nhận rất nhiều. Nhưng khi con nghĩ viết cho mẹ thì con lại thấy rằng mình cần viết cho cha hơn. Cha thân thương, Cha à,
admin đăng vào lúc 5:36 PM, ngày 16-03-2014. |
CHIM MỒI NGÀY ẤY Nguyễn Thị Mây Thuở đó, quê tôi còn hoang dã và nghèo nàn. Có nhiều rừng cây mà cũng lắm mương xẻo. Đất rộng, người thưa. Âm u, trầm uất đã tô vẽ con đường đến trường của tôi nhiều sắc màu độc đáo. Tôi học ở một ngôi trường nhỏ nhưng rất đẹp. Muốn đến trường, tôi phải chọn một trong hai lối. Một là đường cái tráng nhựa, dọc theo dãy phố có nhiều hiệu chạp phô của người Hoa. Nhưng tôi sợ cái bót có rào mấy vòng kẻm gai và chông chênh phía trước một chuồng cu cao lêu nghêu. Bên trong, một người lính bồng súng, nhìn ra bốn phía như một vị ác thần canh giữ nơi bí hiểm. Hai là con đường đất ngoằn ngoèo, luồn lỏi giữa rừng cây, rồi tới con xẻo to, có một cây cầu khi mà tay vịn ngả nghiêng về một phía, huốt tầm tay với. Gặp lúc mưa dầm lại nhằm con nước lớn thì lũ học trò chúng tôi đứa nào cũng khiếp. Dưới xẻo, dòng nước đục ngầu chảy xiết sẵn sàng cuốn phăng, nhận chìm mọi thứ. Qua cầu là tới một ngôi chùa cổ kính và uy nghiêm của người Khơme với những ngọn tháp xám xịt, rờn rợn tượng thần bốn mặt, nhiều tay. Tiếp đó là bệnh viện có hàng rào cẩn thận nhưng lại chừa cái nhà xác bên ngoài. Vốn sợ ma, vừa thấy dạng nhà xác, đứa nào cũng lột dép cầm tay, co giò phóng như bay đến trường cách đó không xa. Con đường vòng xa lắc, đủ thứ rắc rối thế mà chúng tôi lại thích. Bởi vì chúng tôi đã gặp một người bạn đường to con, lớn tuổi hơn đôi chút, là anh Thao. Anh Thao cũng đi dọc con đường ấy để … nhặt củi khô. Như hẹn trước, tôi và mấy đứa bạn cùng xóm vừa rẽ vào lối mòn thì anh cũng lầm lũi đi tới. Chúng tôi làm quen và thân thiết chóng vánh. Anh cho biết quê mình xa tít ngoài Trung, cha anh đã chết vì bệnh, mẹ con anh trôi dạt đến lúc gặp người cha kế mới ổn. Chúng tôi rủ anh đi học, anh bảo : Nhà nghèo lắm, chưa dám nghĩ tới. Khi nào khá, sẽ đi học ngay. Anh thường đưa chúng tôi đến tận cổng. Tan học,về đến chỗ nhà xác đã thấy anh đứng đón. Thấy chúng tôi sợ sệt, anh cười bảo : Người chết là hết! Có làm gì được mình đâu mà sợ? Chúng tôi cảm thấy an tâm hẳn. Nhờ anh, chúng tôi thấy được cái tốt ẩn hiện dọc đường. Như khi cùng ghé lại cái khạp nước mưa đặt bên hông chùa, chúng tôi thả dàn uống những bát nước mưa ngọt lịm thì sau đó anh Thao thường chạy vào chùa, rồi khệ nệ khuân một thùng nước đầy, đổ vào khạp. Anh giải thích rằng người lỡ đường đến sau có sẵn nước uống mà không mất công các sư nặng nhọc. Anh còn bày cách cho chúng tôi biết vui khi vất vả nữa. Anh bảo khi vác bao củi nặng, anh tưởng tượng là bao gạo thì cảm thấy nhẹ liền. Ngày mưa nào anh cũng chờ chúng tôi. Anh cõng từng đứa qua cầu rồi mới vác bao củi qua sau rốt. Một lần, không hiểu vì lạnh hay mệt mà anh té xuống xẻo. Anh bơi được vào bờ nhưng bao củi chìm mất. Từ hôm đó không thấy anh đi nhặt củi khô nữa. Lạ một điều, mỗi khi trời mưa, nhằm lúc tan học thì lại thấy anh tới chỗ cầu khỉ để cõng từng đứa qua. Lúc ấy, dưới cơn gió quật, ôm chặt vai anh, chúng tôi vẫn cảm thấy ấm áp, an toàn. Một hôm, tôi thay chị đem cơm cho mẹ bán hàng ở nhà lồng chợ. Gần đó có một nhóm cờ bạc. Người đàn ông làm cái có khuôn mặt dữ dằn và xảo trả. Ông ta xào, ném ba lá bài gồm một hình thằng tây và hai lá toàn nút một cách lão luyện, mồm không dứt : "Đặt vô, đặt vô! Bà con ơi!” Có một người đàn bà đang hồi hộp nhìn một cậu bé chơi bài và luôn chọn đúng lá có hình thằng tây. Tôi suýt kêu lên : "Anh Thao!” Thấy anh gom tiền, người đàn bà động lòng tham, cũng ngồi thụp xuống tham gia. Lạ quá! Bây giờ, anh bắt đầu thua. Tiền của anh và bà nọ cứ bị gom vào túi người làm cái. Khi chị ta đứng lên, vét hết số tiền còn lại thì khuôn mặt anh Thao bỗng bừng đỏ. Anh ngần ngừ khi đặt tiền xuống lá bài. Lần này, cả hai được trúng. Chợt người làm cái đứng phắt dậy, kêu lên : "Lính tới!” rồi bỏ chạy. Ngơ ngác nhìn quanh, như hiểu ra điều gì người đàn bà lủi vào đám đông mua bán. Gã làm cái trở lại ngay. Hắn túm lấy anh Thao đánh, đấm túi bụi, miệng hầm hừ : "Phản nè…! Thằng chó đẻ. Bữa nay tao bỏ đói mẹ con mày. Thử xem có ai tội nghiệp không? Đói rả họng mà còn nhân đạo! Hứ…”. Hắn phun một bãi nước miếng vào mặt anh, rồi bỏ đi. Nhìn anh đưa tay quệt nước mắt lẫn nước bọt mồm, tôi bật khóc. Quay sang, thấy tôi, anh thảng thốt mấy giây rồi lẳng lặng bỏ đi. Mẹ tôi nhìn theo, lắc đầu : "Tội nghiệp! Thằng chim mồi ngày nào cũng bị cha ghẻ đánh!” Chạnh nhớ cảnh mình, mẹ vuốt tóc tôi, bảo : "Con thấy chưa! Đâu phải ai mồ côi cha cũng ăn cơm với cá đâu! Phải ráng học nghe con!” Từ đó, tôi không gặp lại anh nữa. Nhưng không bao giờ tôi quên được anh, người đã khiến cho tâm hồn tôi trở nên phong phú, với những ký ức tuổi thơ thấm đẩm mật ngọt nhân ái, bao dung. Chính anh đã cho tôi một niềm tin : dù nghèo khổ, ta vẫn có thể làm cho người khác nể phục![/font]
admin đăng vào lúc 5:39 PM, ngày 16-03-2014. |
nhiều tác giả Tâm hồn cao thượng MỘT QUYẾT ĐỊNH DANH DỰ Trần Tú Anh Lê Văn Cảnh là một trọng tài làng. Năm 1989, xã Cẩm Châu được mùa lớn, liền tổ chức tranh giải bóng đá giữa các đội sản xuất để mừng công. Đội đoạt chức vô địch được treo giải một con heo quay và bốn tạ lúa. Sau vòng đá loại đầy cam go, đội 5 và đội 7 được vào trận chung kết để tranh chức vô địch. Đối với hai đội chỉ giỏi sản xuất lúa trên đồng ruộng, thì đây là một sự kiện bất ngờ và trọng đại, làm bà con xã viên mất ăn, mất ngủ, bàn tán xôn xao. Trận chung kết sắp bắt đầu, nhưng khí thế của trận đấu đã bừng bừng sôi động khi nghe loa phóng thanh của ban tổ chức công bố tên trọng tài chính. Anh Lê Văn Cảnh đỏ bừng mặt! Vừa lắc mạnh vành tai ra khỏi chòm râu của ông đội trưởng thì một chòm râu khác ngắn hơn nhưng quyết liệt hơn của ông đội phó lại áp vào… - Ê, Lê Văn Cảnh! Phần đất, phần giống, phần nước đều ưu tiên cho ba sào ruộng của mi, mi làm sao thì làm cho đội 5 vô địch! Ra đến giữa sân, hai vành tai của anh Lê Văn Cảnh vẫn chưa bớt đỏ. Vì thương hay vì giận? Anh Cảnh nhìn đồng hồ, giơ thẳng một cánh tay, rồi thét lên tiếng còi… Sau tiếng còi dũng mãnh và kỳ diệu, anh không còn nhớ đến mình là ai, anh hoá thân và nhập cuộc vào sự công bình và tự nhắc nhở mình từng phút, từng giây… Sau 88 phút thi đấu, chưa đội nào ghi bàn, bỗng đến phút 89, ngay sát khung thành của đội 5, trong một pha truy cản hoảng loạn, một hậu vệ của đội 5 rất lém lỉnh xoay lưng nhanh về phía khán giả của đội 7, lấy tay chận lại một đường bóng để cứu nguy cho một bàn thua. Đường bóng rất nhanh mà tình huống thì xảy ra trong hỗn loạn và trong cát bụi mù mịt, khó ai có thể trông thấy. Nhưng anh Lê Văn Cảnh đã thấy rất rõ, nên không thể tha thứ cho một ý đồ phạm luật có tính toán, anh sẽ xử lý ra sao? Anh đưa còi lên…lưỡng lự trong một giây… Hình ảnh vợ con với ba sào khoán lẩn quẩn đâu đây… Và cũng một giây, giữa sự giằng co của lý trí và tình cảm, anh quyết định đứng về phía danh dự của trọng tài. Nhưng giây phút vinh quang nhất của trận đấu cũng là giây phút cô đơn nhất của trọng tài. Sau quả đá phạt thành công của đội 7, cả sân bãi ngạc nhiên khi thấy anh trọng tài làng Lê Văn Cảnh ngã khuỵ xuống với hai hàng nước mắt ròng ròng…
admin đăng vào lúc 5:41 PM, ngày 16-03-2014. |
nhiều tác giả Tâm hồn cao thượng CHIẾN DỊCH SS10 Chu Thao Mỗi lần Tí đạp xe tới cổng trường, lại nghe các bạn cười nhạo : Quả thật, chiếc xe đạp của Tí trông rất dị kỳ. Sườn vàng hoe. Niền gỉ sét. Vè sau cong lên như đuôi ngựa. Tay cầm vểnh cao, chẳng khác nào đôi tai lừa. Tí 14 tuổi, đang độ "nhổ giò” cẳng dài lêu khêu, cưỡi con vật bằng sắt kêu cót két ấy, đôi vai nhô cao và cổ thụt đâu mất, trông thật khó nín cười. Tí vừa dắt xe vào chỗ gửi, vừa nghĩ : "Hãy đợi đấy!” Nguyên từ một năm nay, Tí đã âm thầm thực hiện một ý định mà nó đặt cho cái bí danh rất hách là "chiến dịch SS10”. Ban ngày đi học, buổi tối Tí xin được một chân rửa chén ở nhà hàng lớn, làm việc vất vả nhưng lương khá. Tiền lĩnh được Tí dành dụm định để mua một chiếc xe đạp đua bóng lộn, niền căm sáng lấp lánh, có cần sang số 10 tốc độ (SS 10). Nó run run bỏ xấp bạc mới toanh vào túi áo, rồi lấy hai cây kim tây gài miệng túi lại cẩn thận, nghĩ : "Có mọc cánh cũng không bay đi đâu được”. Trời tháng tư nắng như đổ lửa, đất dưới chân nóng bỏng, thỉnh thoảng một cơn gió hừng hực cuốn bụi bay mịt mù. Tí xô cửa. Không ăn thua gì, gỗ căm xe quá chắc. Tí ngó quanh quất, chợt thấy một khúc gỗ lớn, dài hơn ba thước. Nó ôm khúc gỗ khá nặng, tông vào cánh cửa. Mạnh hơn, mạnh hơn nữa nào! Cánh cửa vẫn trơ trơ. Tí lấy hết sức mình lao cả khúc cây vào cánh cửa một lần nữa. Nó chợt thấy miếng ván bên dưới nứt ra một đường dài, bèn đạp mạnh vào đó. Tấm ván bung ra. Không chậm trễ, Tí chui ngay vào trong nhà. Khói mịt mù và cay xé mắt. Tí vừa quờ quạng vừa gọi : Tí ôm đứa bé lao ra ngoài nhưng lửa đã bén đến bịt mất lối rồi. Tí bèn giựt phăng nút áo, cởi áo ra dập lửa mở đường thoát. Cái áo bắt lửa cháy phừng phừng. Không hiểu Tí tìm đâu ra sức mạnh mà chỉ đạp vài cái, tấm vách sau bỗng thủng một lỗ lớn. Nó ôm đứa bé nhảy qua lỗ trống ra ngoài. May thay, phía sau nhà uốn lượn con rạch nước chảy lững lờ. Vẫn ghì chặt đứa bé trong người, Tí lao xuống dòng nước mát và bơi qua bờ bên kia… Tí qua một cây cầu, đi vòng lại khu nhà vừa bị hoả hoạn. Giữa đám đông nhốn nháo, một người đàn bà đầu tóc rũ rượi đang vật vã khóc "Ối, con ơi là con!” Đứa bé nhìn thấy bà kêu lên mừng rỡ : "Má! Má!”. Người đàn bà ôm chặt con vào lòng, chẳng muốn rời ra. Bà lắp bắp cảm ơn Tí, nói không nên lời. Còn Tí lẳng lặng ra về. Bấy giờ nó mới thấy vai đau rát : trong lúc cố đưa đứa bé ra khỏi ngôi nhà đang cháy, nó bị một cây kèo rơi trúng. Tí nghĩ : "Nhằm nhò gì. Vài bữa là khỏi ngay.” Nhưng nó bỗng giật mình kêu : "Chết chưa! Cái áo!”. Vậy là mất toi chiếc xe đạp hằng mơ ước. Mất toi một năm trời làm lụng vất vả. Tí tiếc ngẩn ngơ như người lạc hồn. (*) Dựa theo chuyện có thật : Một thiếu niên Hội Chữ Thập Đỏ quận Một xông vào đám cháy cứu thoát một em bé.
admin đăng vào lúc 5:46 PM, ngày 16-03-2014. |
Tâm hồn cao thượng CÂY MẬN TRƯỚC SÂN NHÀ Huỳnh Thị Đằng Ngày… tháng… năm… Huy Hoàng – con trai của cha, Cha vừa thấy vết dao cứa nơi gốc cây mận, những trái mận non màu trắng chưa đến độ chín lại bị văng tung toé trên nền đất mà đau lòng. Cha đã trồng cây mận này cách đây mười lăm năm. Lúc ấy, con vừa tròn hai tuổi. Cha là một cán bộ tuổi quá bốn mươi mới tạo dựng được một mái ấm và được hạnh phúc – làm cha. Không có lúc nào lòng cha nguôi nhớ con. Những chuyến công tác xa, ngủ nhờ nhà dân, chiều mùa đông se lạnh, cha nằm trên chiếc võng dù lấy hình con ra xem. Thế là nỗi hiu quạnh biến mất. Cũng một chuyến công tác xa, cha được ông chủ nhà nổi tiếng có vườn mận rất ngon - nhất là mận trắng – chính ông ấy đã chiết tặng cho cha một nhánh. Cha rất mừng khi hình dung sẽ trồng cây mận này trước sân nhà tập thể. Và, những mùa mận sẽ đi qua thật đẹp khi vừa có trái chín và tàn lá che mắt cả buổi nắng trưa. Quá trình cha trồng cây mận cũng cực lắm. Con mới hai tuổi biết gì ? Cha vừa trồng xong, đi tưới mấy cây kiểng vậy mà con đã phá phách nhổ nó lên và đái vào đó. Cha giận lắm nhưng cười xoà, trồng cây mận trở lại và lại bồng con hôn lấy hôn để. Mà - chẳng lẻ lúc ấy cha đánh đòn con ? Con còn nhỏ quá, nào có biết gì đâu? Nhưng hôm nay thì không thể thế được. Huy Hoàng ạ! Bởi vì con đã mười bảy tuổi – đã chững chạc ở lứa tuổi thiếu niên – không còn mấy tháng nữa là con đã bước qua ngưỡng cửa trưởng thành. Và, cha – mái tóc đã ngã màu muối tiêu - một cán bộ già sắp về hưu. Cha không thể vì có mỗi mình con – vì con là hạnh phúc của cha mà cha chỉ biết có tự hào. Không. Cho dù hơn mười năm đèn sách, con học rất giỏi, thầy bạn đều khen. Cho dù ngày mai, con thi Tú tài đỗ thủ khoa… Cho dù vừa chào đời con đã trở thành một siêu sao đi nữa thì cha vẫn phải nói thật với con - nếu như tâm hồn con bị đánh mất thì cha chỉ có đau lòng chớ không thể nào tự hào về con được. Tại sao vậy? Huy Hoàng! Con có biết không? Chính cây mận trước sân nhà bị những nhát dao tàn phá của con và những trái mận non mà con cố tình hái bỏ kia đã làm cho cha thất vọng. Mới ba ngày trước đây thôi, khi cha chưa nói với con rằng cha đã lo thủ tục về hưu và ngôi nhà này sắp sửa giao cho chú khác. Cha còn nhớ lúc ấy, trận gió mạnh làm rung nhánh cây mận, một vài trái mận non không đủ sức bấu víu vào nhánh đã rơi xuống đất. Con cứ xuýt xoa kêu tiếc. Phải kể, cây mận đã đi theo suốt tuổi thơ con và tràn đầy kỷ niệm. Mùa nào nắng khô, tuổi thơ con đã tưới nước cho cây mận sớm nảy nở sinh sôi. Chiều nào yên ả, con đã tựa vào thân cây mận nhắm mắt đọc “năm.. mười…” cùng bạn bè vui trò chơi trốn tìm. Con đã nâng niu cây mận biết bao vậy mà bây giờ con lại nỡ cầm dao cứa vào thân của nó. Huy Hoàng! Cha hiểu hết. Con không muốn người chủ khác đến đây sẽ hưởng lấy thành quả mà cha con mình đã tạo nên. Con muốn cái gì thuộc về tài sản của con thì không thể chia sẻ cho người khác. Mặc dù bản thân con không thể mang nó theo. Và nếu có người khác yêu thương cham sóc thì nó sẽ sống với sắc màu xinh tươi. Vì vậy nên thà rằng con phá huỷ cây mận chớ không để nó sống mà mình không còn là chủ nhân của nó nữa. Huy Hoàng ơi, con nghĩ gì nếu như cha và con là người chủ mới. Chúng ta sẽ vào căn hộ này từ một người chủ khác trao lại. Con muốn cảnh sân nhà vẫn sạch hay bừa bãi rác rưởi và những trái mận non… Cha đã đoán được suy nghĩ của con. Nếu vậy thì tại sao điều mình không muốn người khác làm cho mình mà mình lại làm cho người khác? Đó là lòng ích kỷ, đáng sợ. Tuy rằng tài sản ấy quá nhỏ, nó chỉ là một cây mận trước sân nhà. Trên cõi đời này, cái gì cũng vậy, có cái nhỏ rồi mới đến có cái lớn. Con đã không kiềm chế được lòng ích kỷ - nỡ phá huỷ tài sản của mình khi biết nó sắp là của người khác thì sau này đi vào cuộc sống lại càng chỉ biết sống cho mình thôi. Đó là điều cha không thể chấp nhận. Nói thật, từ hôm nhìn thấy cây mận trước sân nhà bị những vết dao cứa, lòng cha rất đau. Trong tâm trí cha cứ nghĩ về con. Cha đã thức viết cho con những dòng chữ này… Hy vọng nó sẽ là hành trang trên đường con vào đời. Hoài bão của cha chỉ gói ghém bấy nhiêu! Mong muốn được nhìn thấy con vững vàng bước vào cuộc sống. Mọi người sẽ nghĩ về Huy Hoàng – con trai duy nhất của cha luôn có lòng trắc ẩn, lòng nhân hậu đối với mọi người. Mà điều giản dị nhất là con biết vì người khác. Hoài bão của cha là vậy. Cha của con
admin đăng vào lúc 5:47 PM, ngày 16-03-2014. |
BỌN TRẺ XÓM CỐNG Cao Kim Trên đường xuống Hội An, qua quán giải khát của anh Hứa Văn Thức, anh ra đón xe tôi, kéo tôi vào quán. Lâu mới gặp, anh kể nhiều chuyện trong xóm trong thôn. Ngồi bên tách cà phê, nghe anh kể chuyện người bị nạn trong đợt lũ năm ngoái, chuyện tìm xác anh thuế vụ Điện Bàn, chuyện mai táng người ăn xin, chuyện góp tiền đi nuôi người bệnh neo đơn ở bệnh viện Hội An, chuyện nhà cháy trong đêm 30 Tết… Nghe anh kể, tôi ngạc nhiên quá! Một thôn trên 100 hộ dân, mưu sinh sống bằng nghề gạch và bắt cá sông Cẩm Hà, còn nghèo lắm, thế mà trong năm 1996 đã có hơn sáu lần quyên góp giúp người bất hạnh, mà đa số là người từ phương xa gặp nạn… Bỗng tôi thấy một gói nilông nhỏ rơi xuống đường từ một chiếc Minsk, ngồi sau là một phụ nữ và chồng rổ. Một chiếc xe tải vượt qua, những tờ giấy bạc bay tung lên, rơi tung toé trên mặt đường. Từ nhà ông Châu, hằng chục cháu nhỏ ào ra nhặt tiền. Tôi định đứng lên băng qua đường cản chúng lại, nhưng anh Thức kéo tay tôi lại và nói : Yên chí, để xem. Tôi lấy làm lạ vì các em nhặt tiền xong lại không chạy đi, mà bình thản đếm tiền trên tay, đưa ra trước mặt các bạn như khoe nhặt được ngần này… Lúc đó, anh Thức mới kéo tôi sang, và cùng lúc chiếc xe Minsk quay trở lại với gương mặt thất thần của người phụ nữ bán cá. Bọn trẻ chủ động ra hiệu, và lần lượt chúng đặt tiền vào tay chị. Chị nhìn tiền và bọn trẻ như không tin là sự thật. Tôi hỏi tên, các em nhìn tôi rồi nhìn anh Thức, và chúng hiểu ra. Một đứa lớn chừng 14 tuổi nói : “Mười hai đứa chú ghi sao hết, thôi chú cứ ghi là bọn trẻ thôn 5B Cẩm Hà”. Tôi không đồng ý, cháu tiếp : “Thì bọn trẻ xóm cống vậy”. Tôi chợt nhìn xuống nơi mình đang đứng và nhận ra chiếc cống chìm chảy qua một bụi tre xum xuê nằm sát mép đường. Lúc này, nhiều người lớn gần đó đi đến và góp chuyện : “Anh định ghi lại như vậy là đúng, bọn trẻ ở đây ngoan lắm!” Một đứa khác đến bên tôi và nói : “Chú viết về bác Thức đi, bác tốt lắm!” Tôi nhìn anh, anh cười xuề xoà rồi nói : “Bay đi theo bác”. Lúc này nhóm trẻ chia thành hai tốp, tốp nhỏ ngoan ngoan đi theo anh, tốp lớn do dự, rồi một cháu lại gần tôi nói nhỏ : “Bác ấy định thưởng tụi cháu đấy, 12 ly chè chứ ít đâu, mất của bác ấy hơn 10.000 đồng, tụi cháu không nỡ”. Một cháu khác tiếp : “Nhà bác ấy nghèo, thường qua nhà cháu mượng gạo khi chưa nhận lương hưu”. Rồi chúng gọi bọn nhỏ lại. Cuối cùng, chỉ còn anh và tôi quay lại quán. Lúc này tôi mới trách anh : “Chuyện người thì nói, chuyện mình thì giấu, tại sao?”. Hỏi vậy thôi, chứ tôi quí anh lắm. Cuối cùng anh kể : “Tết năm ngoái, có hai vợ chồng người Duy Xuyên đưa con đi bệnh viện Hội An, qua đây đánh rơi một bọc vải, mình lao ra gọi nhưng không kịp, đem vào nhà thôn trưởng là anh Như, hai người mở ra thấy hai bộ đồ con nít, một phích nước và 265.000 đồng. Tôi giao cho anh Như đi thông báo, ra ngõ lại gặp ngay vợ chồng nọ quay lại”. Anh kết luận : “Chuyện có thế, to tát gì mà kể với viết”. Chuyện nhỏ thật, nhưng tấm lòng anh Thức, của các cháu và bà con trong thôn lớn lắm, lớn đến mức nào thì cũng chỉ cảm nhận mà thô, lòng nhân ái làm sao đo đếm được! Ai tính được cử chỉ từ chối của lũ trẻ khi anh Thức thưởng ? Không tính được, nhưng ai cũng có thể thấy được sự cao thượng trong những tâm hồn bình dị ấy.
admin đăng vào lúc 5:50 PM, ngày 16-03-2014. |
NƠI CÓ CHỖ MẸ NẰM Từ Thế Mộng Nếu tôi có bất cứ quyền phép nào bay ngược thời gian, trở lại ngày thơ bé còn có mẹ trên đời, tôi sẽ làm, như em trai tôi đã làm đối với mẹ, là mãn nguyện lắm rồi. Thời đó, gia đình tôi gồm có năm người, ba, mẹ và ba anh em tôi. Nhưng từ khi anh tôi lên rừng kháng Pháp, nhà bỗng dưng trống hẳn. Cả bốn cứ ngóng về anh, như bốn con sông đều trút lòng mình ra biển cả. Cạn kiệt nhất là mẹ tôi. Mẹ cứ nằm mơ thấy anh vết đạn đầy mình. Chẳng bao lâu người ngã bệnh. Ba tôi làm thợ hớt tóc thấy khó ăn, chuyển qua làm nghề thợ mộc cũng không hơn gì. Còn mẹ, bắp vế phải sưng to, căng cứng. Mẹ cắn răng, âm thầm chịu. Chúng tôi, cơm ăn còn chẳng đủ, lấy tiền đâu thuốc thang cho mẹ, đành nhìn mẹ thảm thương cầu nguyện trời Phật. Lúc đó, gia đình tôi như dòng sông đến khúc quanh, phải chia đôi để bớt đi nguồn nước : em trai tôi theo mẹ lên sống nương nhờ anh Giáo – anh gọi mẹ tôi là cô ruột, tôi theo ba lên che tạm cái chòi bên miếu nhỏ ngay trước mặt chợ phường sống qua ngày. Tôi cứ ngày ngày lên xóm tỉnh cũ thăm mẹ và em. Hai người ở trong một chái bếp thấp lè tè, suốt ngày un khói. Biết làm sao được, dù anh Giáo hết lòng đùm bọc, nhưng căn nhà đâu có rộng như lòng anh! Mẹ, chỗ sưng đã chín mùi, mủ đã chảy, mẹ bớt đau, tôi mừng. Quần áo mẹ do một tay em tôi giặt. Em lúc nào cũng quanh quẩn bên mẹ để chờ được sai bảo. Chín tuổi mà trông em nhỏ như chú bé lên sáu, nhỏ con như không còn nhỏ hơn được nữa. Ban đầu mủ chảy ra từ bắp vế mẹ có lẫn cả máu. Mùi hôi ít. Mủ có dính vào quần cũng dễ giặt. Lâu dần trong mủ có lợn cợn cả xương mủn, vì bị bệnh mạch lươn đục ruỗng. Mủ có màu xanh đùng đục! Đứng gần đã thấy khó chịu, huống gì phải còng lưng xuống gí mũi vào để rửa. Tôi thăm mẹ có phần lơ là đi. Mãi đến khi ba tôi mê một bà hàng xóm goá chồng, đêm nào cũng đánh tứ sắc, riết rồi đeo luôn. Tôi tức lắm, ngỡ chính mình bị bội phản chứ không phải là mẹ, bèn bỏ về với mẹ. Đến lúc này tôi không còn cớ gì sanh nạnh với em được nữa, phải giặt quần áo cho mẹ để em còn đi học, nghĩ tới là rùng mình. Mủ ngấm nước như một bãi lầy gớm ghiếc, bốc mùi hôi nồng nặc, xộc thẳng lên óc, khiến tôi tối tăm mặt mày. Tôi phải đứng thẳng người, lấy chân vừa chà lên chỗ nhầy vừa xối nước. Mặt nghếch lên trời, mùi hôi khó tới. Còn cái quần của mẹ sạch hay không cũng mặc. Rồi tôi ung dung đem đi phơi, coi như xong… Một hôm, tôi bịt mũi, nhón tay…, thằng em đến giật phăng cái quần, hầm hầm ra giếng. A, trúng kế của anh rồi ,em ơi! Em lộn quần ra trước, ngâm kỹ, giặt cẩn thận, tỉ mỉ từng chút. Xong xổ sạch cả chục nước. Em không phơi ngay mà đem quần nhúng nước, rồi cứ để nguyên vậy giũ mạnh! Chi vậy không biết? Hoá ra em muốn quần mẹ khi khô không bị nhăn vì vắt kỹ (chúng tôi làm gì có tiêu chuẩn để ủi). Và cứ vậy, từ sau khi em tức giận vì thấy tôi lơ là trong việc giặt quần cho mẹ, em giành làm hết mọi việc để hầu mẹ - chu đáo, tận tuỵ từ việc cơm nước, tiêu tiểu trong gần sáu năm liền cho đến ngày mẹ mất. Sáu năm, mẹ tôi chống chọi với cái chết vì em! Mẹ không nở bỏ em bơ vơ một mình. Bây giờ trong ba anh em chúng tôi, em là người thành đạt nhất. Em đậu thẳng vào đại học, ra trường là kỹ sư công chánh từ năm 1968. Sau 1975, nghèo túng vì tài sản mất sạch khi từ Pleiku chạy về Sài Gòn, em vẫn kiên quyết ở lại, trong khi nhiều bạn bè cùng trang lứa vội vã ra đi. Vì không nỡ rời xa nắm đất nơi có chỗ mẹ nằm, phải không em?
admin đăng vào lúc 2:46 PM, ngày 04-11-2014. |
CON “QUỈ” GÙ Chứng Nhân Khoảng năm 1977, 1978… lò đường với máy móc tự tạo thô sơ vẫn hoạt động 24/24. Chúng tôi phải chia ca ngày và ca đêm. Công việc của tôi lúc đó khi thì vác mía từ ghe vào kho, khi đứng ép ở bộ che, lúc gánh bã mía ra phơi ngoài nghĩa địa gần đó, hay gánh trấu và cũi gộc vào cho thợ đốt lò. Đôi vai học trò không quen việc nặng đã khiến tôi nhiều đêm phát khóc vì nhức nhối, ê ẩm cả người. Công nhân ở đây chia làm hai phe : phe công nhân tổ viên là những người có cổ phần trong lò đường, số còn lại được tuyển thêm để bù vào số lao động còn thiếu. Một ông già người Hoa làm hoả đầu quân, và hai người thợ máy ăn ở luôn trong lò đường : một người cao tuổi ốm lêu nghêu; người kia trẻ hơn, nhỏ thó, lưng hơi gù, gương mặt xấu xí kinh khủng với những u thịt lớn nhỏ đủ cỡ. Anh này thường bị chọc ghẹo không phải chỉ vì tướng tá dị hợm mà còn vì cái tên buồn cười của anh : Cưng. Mấy anh trên lò hay nói : “Cha này khôn thiệt, già trẻ gì cũng phải kêu chả bằng cưng!” Khi đó đứa con gái nào dài giọng : “Anh Cưng ơi!” thì những đứa còn lại cứ đứng ôm bụng mà cười. Tính anh dễ dãi, không hay giận, nhiều khi còn tự làm trò cho chúng tôi cười. Nhìn đôi mắt ti hí của anh nháy nhó giữa đám u thịt và đôi môi thâm đen ngoác ra khoe mấy cái răng cửa gẫy ngang, người ta khó thể không tự hỏi sao ông Trời lại cắc cớ nặn ra một con người hiền lành, dễ thương dưới hình dạng một con quỉ xấu xí, đen đủi như thế. Bọn trẻ có khi độc ác một cách vô ý thức trước cái hiền lành của anh. Khi anh ra con sông gần đó tắm, lập tức quần áo trên bờ không cánh mà bay. Khi anh ngủ, người ta cứ rình lúc anh vừa hé miệng là tuôn vào một nắm muối. Ác hơn nũa, chiếc áo đen thui mỡ dầu của anh máng gần chỗ ngủ có lần tự nhiên dính đầy trái mắt mèo, và người ta xúm nhau cười khoái chí khi thấy anh vừa nhảy tưng tưng vừa gãi đến toé máu. Thanh Liên là tác giả của một số trò đùa độc ác nhất. Nó xinh đẹp nhất bọn chúng tôi. Trớ trêu thay, bên trong gương mặt thiên thần đó là một tâm hồn rất ít lòng nhân. Khi trêu chọc anh, mỗi lời nói của nó giống như một nọc ong, và không hiểu sao nó lại thấy hả hê khi hành hạ anh ấy. Khi tạm nghỉ để ăn trưa, vừa thấy anh từ xa là nó hét : “Biến đi đồ quỉ, làm người ta ăn cơm hết ngon!” Anh lẳng lặng bỏ đi, lưng như gù cao hơn và cổ rụt sâu xuống vai như cố che giấu gương mặt nhợt nhạt vì đau đớn. Tôi làm ở đó được hơn một năm thì các tổ viên trong ban điều hành cho hay lò đường lỗ nặng, sắp giải thể. Đêm ấy, chúng tôi ép ghe mía cuối cùng, lòng trĩu nặng. Trong khi chờ cần xé nhồi đầy bã, tôi lơ đãng đôi mắt nhìn thôi những bọt mía dơ bẩn, đục ngầu chảy lờ đờ theo mương nước chè. Đột nhiên trong tiếng máy ầm ầm, nhiều tiếng la hét hãi hùng vang lên khiến tôi giật bắn người. Rồi là tiếng ken két rợn người của dây curoa bị hãm gấp, tiếng chân người rầm rập ùa đến bộ che. Lúc chen được vào trong, người tôi mềm nhũn, mặt mày xây xẩm. Thanh Liên với mái tóc bị xén ngang nham nhở, gương mặt như sáp. Và rùng rợn hơn, anh thợ máy của chúng tôi đổ gục xuống, một cánh tay nát bét trong con che, máu nhầy nhụa loang đỏ bệ hứng. Không biết bằng cách nào người ta đem được anh ra để chở đi cấp cứu. Khi tôi đến bệnh viện thăm, anh đã bị cắt một tay đến khuỷu. Thanh Liên không có can đảm đến thăm anh một mình. Nó rủ tôi cùng đi. Tôi định từ chối nhưng thấy gương mặt thảm não của nó, tôi không đành. Chúng tôi còn ngoài hành lang bệnh viện đã nghe tiếng người oang oang trong phòng : - Anh giúp nó làm gì. Nó là con quỉ cái! - May mà có anh nhanh tay xén ngang tóc nó, nếu không nó đã bị cuốn vào che cho đáng đời. Đã cấm ép mía không được xoã tóc mà cũng cố làm điệu. Còn anh thì trong lúc gấp gáp cứu người lại vô ý để che ăn tay. Tiếng anh Cưng yếu ớt : - Thôi đừng trách. Liên còn con nít mà! Thanh Liên nấc lên. Một giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt xinh đẹp, rồi giọt nữa, giọt nữa. Đó là lần đầu tiên tôi thấy nó khóc. Nó hối hận vì những trò đùa tai ác hay xấu hổ vì câu nói của con quỉ gù xấu xí có tấm lòng của một thiên thần?
admin đăng vào lúc 3:19 PM, ngày 04-11-2014. |
LÀM CÔNG QUẢ Đoàn Văn Phường 17, Tân Bình là một phường vùng ven dân cư đông đảo mà đường ống dẫn nước máy chưa kịp lắp đặt. Vào mùa nắng, các ao hồ đều cạn kiệt, nước giếng nào múc lên cũng đục ngầu và hôi mùi bùn. Trong địa phận phường, một ngôi trường lớn vừa được dựng lên. Hằng ngày, hơn 1.000 học sinh đến học cả sáng lẫn chiều. Để có nước cho các em dùng, cơ quan UNICEF đã đóng tặng trường một giếng bơm sâu hơn 150 mét mới đụng mạch nước ngầm, bơm lên là có nước, song cũng phải nấu chín mới uống được. Nhưng làm sao nấu đây? Đó là câu hỏi mà thầy hiệu trưởng chưa tìm được lời giải đáp. Ngày kia, một ông lào râu tóc bạc phơ đến gõ cửa văn phòng trường. Thầy hiệu trưởng mời khách ngồi : - Bác có điều chi cần ? Ông lão đáp : - Xin thầy cho tôi hằng ngày đến đây nấu nước cho học sinh uống. Thầy hiệu trưởng nhìn khách. Vẻ mặt hiền lành, ánh mắt nhân hậu của ông lão thu phục ngay cảm tình của thầy. Vừa vui mừng vừa ái ngại, thầy ngập ngừng : - Bác ơi! Chúng tôi rất cảm động trước thiện chí của bác. Ngặt nỗi nhà trường không có ngân khoản nào để trả công nấu nước. Mà việc lại vất vả, nặng nhọc. Hơn 1.000 học sinh, có nghĩa là phải nấu cỡ 2.000 lít nước một ngày. Ông lão xởi lởi : - Không sao. Tôi tình nguyện nấu nước không tính tiền công, miễn là nhà trường lo củi và tìm cho tôi hai ba cái nồi thật lớn. Để đáp lại vẻ ngạc nhiên của người đối thoại, ông lão tiếp : - Người khác vô chùa làm công quả, lau tượng Phật, quét sân chùa cầu hưởng phước về sau. Còn tôi, tôi làm công quả tại ngôi trường này, chỉ mong sao các cháu học sinh có nước sạch uống là tôi vui rồi. Ông Hai, tên gọi thân mật của ông lão, ở cách trường ngót ba cây số. Vợ con ông đều đã qua đời vì bom đạn lúc chiến tranh. Có ba công đất hương hoả nhưng già yếu không còn cáng đáng nổi việc đồng áng nặng nhọc, ông cho đứa cháu cày cấy, rồi chia lại cho ông gạo đủ ăn hằng ngày. Về mặt vật chất, ông thấy như vậy cũng đủ. Được thầy hiệu trưởng chấp thuận, hằng ngày ông đến trường nấu nước, mưa cũng như nắng, không sót một bữa. Hơn hai năm êm đềm trôi qua. Nhưng một ngày mùa nắng, bỗng xảy ra biến cố khó quên : đêm ấy có đến 42 học sinh của trường bỗng bị tiêu chảy và ói mửa, phải chở đi cấp cứu! Sáng hôm sau, cả trường náo loạn lên. Phụ huynh học sinh kéo đến chật phòng họp. Có người nóng nảy nói : - Tại nhà trường thiếu trách nhiệm, để học sinh uống nước không đun sôi. Một vị giận dữ lớn tiếng : - Hôm qua ông Hai không nấu nước. Ông ấy lo đi đám cưới ở xóm trên! Quả thật, hôm qua ông Hai có đi dự đám cưới người cháu ruột. Trước khi đi ông đã nấu nước. Nhưng thay vì phải chờ cho nước sôi 15 phút như mọi lần, thì khi nước vừa sủi bọt ông đã bỏ đi ngay, vì sợ đến trễ giờ cúng gia tiên của cháu. Trước khi đi, ông đắn đo một lúc, nhưng nhìn vào bếp thấy than còn đỏ rực mà toàn là than gốc đước rất đượm, ông nghĩ : Bấy nhiêu còn đủ để nước sôi trong 15 phút. Nào dè… Ngồi nghe các vị phụ huynh học sinh than phiền, ông Hai thấy lòng đau như cắt và rầu rĩ thầm tự trách mình. Ông nghĩ : May mà các cháu học sinh sau khi được điều trị đều đã bình phục trở về nhà, chứ nếu không mình sẽ ân hận biết chừng nào. Phòng họp ồn ào những lời chỉ trích gay gắt. Chợt từ dãy ghế cuối, một cánh tay nhỏ bé giơ lên : - Cho cháu xin nói! - Thưa các thầy cô, chú, bác, dì! Chúng cháu đau bụng không phải tại nước nhà trường nấu không kỹ đâu ạ. Rồi em kể : Chiều hôm qua, hai lớp 7A và 7B chỉ học có hai tiết đầu. Học xong, các bạn trai rủ nhau đá banh, các bạn gái theo cổ vũ. Đá banh xong ai cũng đói. Chợt có xe bán gỏi đu đủ khô bò đi tới, chúng cháu rủ nhau ăn. Ăn rồi thì khát nước, mà nhìn quanh chẳng có hàng giải khát nào, chúng cháu bèn múc nược giếng lên uống. Bị đau bụng là do lỗi chúng cháu. Cử toạ nghe xong đều sững sờ. Phòng họp chìm trong mấy phút im lặng. Lát sau, một vị cao niên chậm rãi lên tiếng : - Cháu nói có lý đấy. Trường đông cả ngàn học sinh mà chỉ có những cháu ở hai lớp ăn gỏi đu đủ mới bị đau bụng thì đâu phải tại nước của nhà trường không sạch. Vị khách ôn tồn tiếp lời : - Chúng ta đã có những lời không đúng về nhà trường. Xin lỗi thầy hiệu trưởng và ông Hai nấu nước. Mong hai vị bỏ qua cho, chúng tôi quá nóng lòng vì con nên đã có những nhận xét thiếu công bằng. Thầy hiệu trưởng thở phào nhẹ nhỏm, còn ông Hai thì như có ai vừa đỡ giùm đá nặng đang đè trên ngực mình.
admin đăng vào lúc 3:20 PM, ngày 04-11-2014. |
| |||