Welcome Khách

thuvien.ucoz.com

[ Truyện mới · RSS ]
Tâm hồn cao thượng

MỤC LỤC

1. LỜI GIỚI THIỆU
2. CHẮT LỌC GIỮA ĐỜI
3. CHÚNG TA LÀ ĐÀN ÔNG
4. CHIM MỒI NGÀY ẤY
5. MỘT QUYẾT ĐỊNH DANH DỰ
6. CHIẾN DỊCH SS10
7. CÂY MẬN TRƯỚC SÂN NHÀ
8. BỌN TRẺ XÓM CỐNG
9. NƠI CÓ CHỖ MẸ NẰM
10. CON “QUỈ” GÙ
11. LÀM CÔNG QUẢ
12. DƯỚI GIÀN HOA GIẤY
13. BÀ CỌP
14. MỘT ĐỨA CON, HAI NGƯỜI CHA
15. CHỨA CHAN TÌNH MẸ
16. NHẬT KÝ VỀ MẸ
17. HẬU SỰ
18. NGƯỜI BÁN TUỔI THƠ
19. BỐN NĂM CÕNG BẠN ĐI HỌC
20.
CÂY VIẾT MÁY
21. CHỈ ĐƠN GIẢN LÀ…
22. CON HEO ĐẤT
23. ANH VÀ EM… & TÌNH YÊU
24. CÓ MỘT CÁN BỘ ĐOÀN NHƯ THẾ
25. THẦY HAI LIỆU
26. BÁC NĂM
27. NGƯỜI Ở TRƯỜNG
28. CÁI TÂM CỦA NGƯỜI ĐÁNH CÁ
29. BẾN ĐỖ
30. CHUYỆN CỦA BA NGƯỜI
31. KHÔNG CHỈ SỐNG VÌ MÌNH
32. TIẾNG RAO ĐÊM


admin đăng vào lúc 5:26 PM, ngày 16-03-2014.


DƯỚI GIÀN HOA GIẤY
Lân Vinh

“Dậy! Cút ngay! Thằng ranh con, bẩn hết cả cổng rồi”.

Thằng bé giật mình tỉnh dậy sau khi lãnh hai cú đá vào mạng sườn và một tràng tiếng chửi the thé. Trời đã sáng. Ngước nhìn lên, nó thấy một bà to béo, mặc bộ đồ hoa loè loẹt, đứng chống nạnh, hai mắt trợn trừng, hai cánh tay của bà ta còn to hơn cả hai bắp đùi của nó.

- Ai cho mày nằm ở đây, hả ? Dậy! Biến ngay!

Tiếp đó là tiếng chó sủa ầm ầm. Nó liếc nhanh qua cánh cổng mở hé. Một con chó berger dữ tợn, cao lớn đang nhảy chồm chồm sau lưng, bà béo. Nó đứng dậy, lững thững bước đi, còn nghe cái giọng the thé với theo “đúng là cái đồ ăn mày”.

Cái cảnh bị xua đuổi như thế này nó đã quen rồi. Lúc đầu, mỗi lần bị đuổi nó tủi thân lắm. Đôi khi nó khóc thầm và trách ba mẹ nó đã để cho nó khổ cực. Riết rồi đâm quen, chẳng khóc, chẳng trách móc ai nữa. Mà thật ra nó có biết ba mẹ của nó là ai đâu. Người nuôi nó là bà Ba. Bà nói là bà xin nó ở bệnh viện. Mẹ nó sinh ra nó xong là bỏ trốn mất tiêu. Bà bảo xin nó về nuôi để lớn lên dắt đi ăn xin cùng cho đỡ buồn. Giờ thì bà Ba chết rồi, mới chết tháng trước vì trúng gió. May mà nó đã mười hai tuổi, tự đi ăn xin ăn một mình được. Bà Ba thương nó lắm, có gì ngon cũng để dành cho nó phần nhiều. Bà không biết chữ nên chẳng dạy gì được cho nó, chỉ có mỗi hai điều bà cứ dặn đi dặn lại là đi ăn xin chứ đừng bao giờ ăn cắp và đừng bao giờ nghĩ ác cho người ta. Nó nhớ trước hôm bà mất, bà lại dặn nữa, nó gắt biết rồi, nói hoài. Bây giờ nó ân hận lắm. Bà chết khổ quá. Nửa đêm, người cứng đơ, sùi bọt mép. Lúc ấy hai bà cháu đang ngủ bên lề đường. Nó la quá trời chẳng thấy ai tới, đành chỉ biết nằm cạnh bà mà khóc. Mãi sau có mấy người quét đường xúm lại thì bà chết rồi. Họ nói nếu đưa bà đến bệnh viện sớm thì bà không chết đâu.

Hết nhớ tới bà Ba, nó lại nghĩ tới bà béo lúc nãy. Chẳng hiểu cái bà béo ấy mấy bữa ở đâu mà hai ngày trước không thấy, hôm nay mới lù lù xú6t hiện. Nó tiếc cái cổng có giàn hoa giấy ấy quá. Bây giờ thì kiếm đâu ra chỗ giống như thế đây. Khắp thành phố nơi nào cũng ầm ầm xe cộ từ sáng sớm đến tối khuya, chỗ nào cũng bụi bặm, rác rưởi. Chỉ có chỗ ấy là ngon lành nhất thôi. Cuối cùng nó quyết định đến tối cứ về đó ngủ, nhưng sáng phải dậy thật sớm để đừng bị bà béo bắt gặp.

Tối, nó lại về dưới giàn hoa giấy. Lang thang mệt mỏi cả ngày, nó ngả lưng xuống bệ cổng, ngủ thiếp đi trong tiếng đàn đã thành quen và mơ những giấc mơ thường lệ. Đang đêm, một luồng gió lạnh bất chợt lùa qua người nó. Nó giật mình thức giấc. Ngọn đèn trước cổng bật sáng choang. Bà béo lại xuất hiện trước cánh cổng mở hé.

- Đồ ăn mày, đồ trộm cắp, tao biết ngay thế nào mày cũng mò lại đây mà! Có xéo đi ngay không tao dẫm bẹp gí bây giờ?

Vừa rít lên qua kẽ răng, bà ta vừa cúi xuống túm cổ định xốc nó dậy. Bỗng nhiên bà khuỵu chân, ngã lăn qua mấy bậc cấp, chúi xuống lề đường, miệng ú ớ. Nó nhổm phắt dậy, tròn mắt nhìn bà béo. Mồm bà há hốc, mắt trợn ngược, mép sùi bọt, hai tay cào cào như cố bám lấy mặt hè. Nó sực nhớ đến cái đêm bà Ba bị trúng gió. Thôi chết, bà ấy bị trúng gió rồi. Trời đất, không có ai đưa đi bệnh viện kịp thì bà ấy chết mất thôi. Nó đẩy rộng cánh cổng, nhìn vào. Con đường chạy từ cổng vào nhà tối om, chỉ bên trong nhà có chút ánh đèn vàng lờ mờ. Nó muốn chạy vào gọi người trong nhà, nhưng lại nhớ tới con chó berger, không biết nó đang nằm ở đâu. Con chó ấy mà tợp cho một phát thì đời ngay. Nó hoảng hồn vội đóng sập cánh cổng, chạy như bay về phía ngã tư. May sao có mấy chú dân phòng tay cầm gậy đứng. Nó chạy tới la to :

- Các chú ơi, cứu người!

- Cứu ai, ở đâu ?

- Cứu bà cháu, ở đằng kia, chỗ cái cổng có đèn sáng đó!

Mấy chú dân phòng chạy vội theo hướng tay nó chỉ, bỏ mặc nó một mình. Thấy không ai cần đến mình nữa, nó đứng dựa lưng vào cột điện, nhìn về cổng ngôi biệt thự. Sau một hồi nhốn nháo, một chiếc xe con màu trắng từ bên trong cổng phóng ra, chạy ngang qua mặt nó rồi rẽ về phía trung tâm thành phố.

Nó đi ngang cổng bệnh viện, băn khoăn không biết bà béo ra sao, còn sống hay chết rồi. Tự nhiên nó thấy tội nghiệp bà ấy. Lúc bị trúng gió, bà ấy cũng giống như bà Ba của nó, đau đớn, thê thảm. Mong sao bà ấy đừng chết như bà Ba. Ai chết cũng tội nghiệp lắm. Nó cũng có công cứu bà, nếu còn sống chắc bà không ghét nó nữa đâu. Đang suy nghĩ mông lung, nó bỗng thấy bà béo từ trong bệnh viện bước ra. Bên cạnh là một người đàn ông trung niên ăn mặc sang trọng, tay xách cái túi nhựa căng phồng. Trông bà vẫn béo núc nhưng có vẻ hơi mệt mỏi và không dữ dằn như khi đang xua đuổi nó.
Nó mừng rỡ gọi :

- Bà ơi!

Bà béo quay ngoắt lại, vừa trông thấy nó bà ta trợn mắt lên, giống hệt như lần đầu bắt gặp nó nằm trước cổng nhà :

- Lại là mày à, cái đồ mắc dịch. Sao đi đâu cũng thấy cái mặt mày vậy cà? Từ giờ cấm lảng vảng lại nhà tao nữa đấy. Lần nào tao xuỵt chó ra cắn chứ không có hiền với mày nữa đâu.

Nó đứng khựng lại, miệng méo xệch, cổ họng nghẹn đắng. Bà béo quắc mắt nhìn nó một lần nữa như khẳng định điều vừa nói, rồi bước nhanh đến bên chiếc xe hơi bóng loáng màu trắng đang đậu bên lề đường. Người đàn ông cũng nhướng mắt nhìn nó rồi quay lại mở cửa xe, nói :

- Thôi, kệ nó, mẹ lên xe đi.

Chiếc xe nổ máy chạy xa dần rồi mất hút.

Nó lầm lũi bước trên hè phố, lòng buồn rười rượi. Bộ mặt dữ dằn của bà béo cứ hiện lên dai dẳng trong tâm trí của nó. Lòng nó trào lên cảm giác uất hận. Vậy mà bà Ba có lần còn nói với nó không phải người giàu bao giờ cũng xấu, người nghèo bao giờ cũng tốt.

Bất chợt một ý nghĩ loé lên trong đầu nó : Hay là bà ấy không biết mình đã kêu cứu giùm? Thôi đúng rồi, lúc đó bà ấy xỉu, đâu có biết gì nữa. Còn người trong nhà khi đưa bà ấy lên xe chắc chỉ thấy mấy chú dân phòng, mình đứng tít ngoài ngã tư làm sao người ta biết được. Cũng tại vì mình đã không có mặt lúc họ đưa bà đi bệnh viện. Bà ấy không biết việc mình làm, nếu biết, bà sẽ không xua đuổi mình đâu, nhất định là như thế. Nghĩ tới đó lòng nó dịu hẳn đi, nó không còn buồn. Và nó chợt nhớ ra là đã đói bụng từ lâu, phải đi kiếm miếng gì cho vào bụng đã.

Nó nhảy chân sáo về hướng chợ, nơi có quán phở hằng ngày nó thường tới xin ăn. Bà chủ quán ở đó cũng béo phị nhưng không cấm nó ăn phở khách bỏ dư bao giờ.


admin đăng vào lúc 3:23 PM, ngày 04-11-2014.


BÀ CỌP
Đỗ Quyên


Bà Cọp! Dì chồng tôi không hề biết cái tên đó. Bởi lẽ, người ta chỉ gọi lén, lúc vắng mặt dì. Nếu không thì … đừng trách.

Khi chưa về làm dâu, tôi đã loáng thoáng nghe chuyện dì, không khỏi sợ rồi đây sẽ tới phiên mình bị …cọp vồ… Nhưng… Lần ấy, sau đám cưới, chúng tôi trở lại đơn vị công tác, gần ba tuần sau mới về thăm nhà. Vừa thấy mặt tôi, dì dài giọng : “Dữ ác! Tới nay mới thấy mặt cháu dâu à!”. Chồng tôi phân bua : “Tại…trường ở xa quá, dì đừng giận. Mà mình có lo được gì cho người ta đâu mà đòi hỏi?”

Mặt bừng đỏ, hai tay chống hông, dì hét toáng lên : “Vậy sao? Té ra làm đám cưới nhỏ thì không có quyền đòi hỏi con dâu phải biết tới bên chồng à ? Nó muốn về chừng nào về, muốn…chết ở đâu thì chết! Không được lo!” Dì tức tưởi : “Tao biết tao nghèo. Nghèo thì không được nhớ thương ai! Phải rồi, mày đã là thầy giáo chớ đâu phải là thằng chết mẹ, chực niêu cơm tao…hu hu…”. Tôi chợt hiểu.

Dì thương nhớ chúng tôi. Dì nhớ đứa cháu mà dì đã đổ biết bao mồ hôi nước mắt để lo cho gia đình nó. Khi người chị ruột qua đời, anh rể theo vợ bé, bỏ mười đứa con bơ vơ, đói rách, dì đã dang rộng đôi tay ôm hết vào lòng. Dì mua bán tảo tần, vất vả đến độ sợ…lấy chồng, sinh con rồi thêm khổ. Càng cực nhọc vì ai bao nhiêu thì tình thương dành cho người đó càng sâu nặng bấy nhiêu. Tôi lật đật xin lỗi dì. Dì có vẻ hả dạ lắm, dắt ra sau bếp, dọn cơm, bắt tôi ăn ba chén mới cho thôi. Xong, đưa một bao gạo năm lít, bảo đem theo. Tôi từ chối, dì nạt : “Chê hả, bà giáo?”. Hoảng quá, tôi đưa cả hai tay chụp lấy bao gạo. Chừng đi khuất, chồng tôi bật cười : “Mệt bả quá trời!”
Lâu lâu gặp dì, chắc tôi sẽ nghĩ rằng dì hung dữ. Nhưng khi về sống chung một vòng rào, tôi mới thật sự hiểu được lòng dì. Khi được chuyển về thị xã, không có chỗ ở, chúng tôi phải tạm trú trong một lớp học bỏ trống, đã xuống cấp trầm trọng. Dì ghé thăm, nhằm lúc trời mưa. Gió mang những giọt nước lạnh buốt bay qua khung cửa, tạt vào mặt. Cả ba người cứ tránh mãi mà vẫn bị nước dột nhểu xuống đầu. Dì bực bội bảo : “Nhà ở như vầy, bay phải mua vài cái thau. Có mưa, cho khách mượn đội để khỏi ướt đầu”. Dì về. Sáng hôm sau, sương đêm chưa tan hết, trời còn tờ mờ dì đã trở qua, bảo thu xếp để cất nhà, dì cho khoảng đất trống ở cạnh nhà dì. Mừng thì có mừng nhưng cả hai vợ chồng đều…lo. Chúng tôi sợ…dì. Nhưng, chẳng bao lâu, tôi đã hiểu, dì thương yêu con cháu, mọi người. Nhưng tiếc là cách thể hiện có hơi lạ đời. Dì thuộc dạng “khẩu xà, tâm phật”, miệng dữ nhưng lòng lành. Tính dì tôi nóng nảy lạ lùng. Thấy gì không vừa ý, dì phản ứng liền. Dữ dằn như cọp. Ai cũng ngán, từ trong nhà ra ngoài phố.

Một lần, cha chồng tôi về. Ông trèo lên nóc nhà định tháo tôn xuống bán. Hay tin dì chạy qua, đưa nắm đấm : “Anh mà dám làm, tôi cũng dám tính đẹp anh nữa! Theo vợ bé cho đã rồi về báo. Bộ anh…tới số rồi sao mà?” Thấy không xong, ba chồng tôi tụt xuống, xách xe đi một nước. Dì cười ha hả, chảy cả nước mắt, rồi ra lệnh : “Chắc lụn bại rồi! Tội nghiệp! Từ nay, hằng tháng mỗi đứa bỏ ra một ít, hùn lại cho ổng. Không tiền, chịu sao nổi … bà bé!”

Người ngoài phố cũng sợ dì. Nhà nào có “cha đánh con” u đầu, vỡ trán, dì gọi…công an tới viếng. Nhà nào có… “con đánh cha”, dì vừa réo ông trời xuống đánh vừa chửi té tát vào mặt. Có lần gặp phải một đứa hung tợn, đòi đánh dì. Vừa sấn tới dì vừa thách : “Ngon, đánh thử coi!”. Hậm hực lắm nhưng thằng nọ chỉ gầm lên: “Đồ…ngựa!”, rồi bỏ đi một nước. Do sợ dì mà xóm tôi yên ổn. Không có tệ nạn nào dám xảy ra ở đây. Chứa gái mại dâm, gầy sòng cờ bạc, trộm cắp…đều lánh xa xóm tôi. Kể cả tham nhũng cũng bị dì ra tay…dọn dẹp. Ông trưởng khóm nào “nhím” bớt tiền dân đóng góp cứu trợ, bà cán sự phụ nữ nào cho vay vốn “xoá đói giảm nghèo” mà lấy lãi, dì mà biết được thì…cấp trên sẽ biết và có biện pháp giải quyết. Rốt cuộc, chỗ dì ở được biểu dương “khóm văn hoá”.
Mới đây, dì xót ruột khi thấy nắng hạ đổ lửa lên lưng áo công nhân xây dựng đường phố. Dì khệ nệ khuân ra một thùng nước mưa cho họ giải khát. Nhưng lát sau đã nghe dì hét toáng lên vì trông thấy vài người trộn vữa cẩu thả, cát nhiều, xi măng ít.

Dì chồng tôi như vậy đó. Dì sống hồn nhiên theo cảm tính, dựa vào cơ sở đạo lý thấm đẫm tận sâu thẳm đáy tim. Không khách sáo. Không tế nhị! Nghĩ sao, làm vậy. Thấy khổ thì giúp, gặp sai trái phải ngăn chặn. Tôi quí phục dì hơn tất cả những người đã tìm đủ cách để đạt mục đích, mua bằng được tiếng tốt, để được ngợi ca là cao thượng. Dì không chờ đợi gì hết. Đối với dì, cuộc sống quanh mình phải là một môi trường sạch đẹp. Muốn thế, phải bảo vệ, theo cách của dì, dữ dằn như…cọp!


admin đăng vào lúc 3:25 PM, ngày 04-11-2014.


MỘT ĐỨA CON, HAI NGƯỜI CHA
Trần Văn Cả

Xinh nâng đầu cha em đặt lên bắp đùi, rồi nhẹ nhàng lấy bông quấn vào que, khều từng dãi đờm lẫn máu ra khỏi miệng ông. Que này ướt đẫm, em lại quấn bông thay que khác. Cứ thế cho đến lúc cha em thở được, lúc đó em mới rút ống thở ra khỏi mũi ông. Sửa tư thế cho cha nằm ngay ngắn, em lui xuống bếp đánh cháo cho nhuyễn, rồi dùng một cái ống bơm vào miệng ông từng chút.

Đã hơn năm năm qua, cha em bại liệt hoàn toàn, tiêu tiểu tiện tại chỗ. Ông bị cứng hàm không nuốt được. Em vừa cho cha ăn, vừa làm vệ sinh thân thể ông và giặt giũ áo quần. Là phận gái, việc chăm sóc cha lại càng khó khăn, bất tiện. Đồng lương hưu ít ỏi của ông chỉ đủ mua thuốc, Xinh phải buôn bán phụ thêm để có tiền mua thức ăn, bồi dưỡng cho cha nhằm kéo dài sự sống.

Những người hàng xóm quen biết khuyên em đừng bồi dưỡng cho ông nữa. Vừa tốn tiền, vừa kéo dài sự khổ đau vô ích. Bởi cái chết đối với ông chẳng còn bao lâu nữa. Nhưng quá thương cha, lòng em sao nỡ? Dù nợ nần, em cũng cố lo lắng, săn sóc cha cho đến ngày ông nhắm mắt. Mỗi lần em đút cha ăn, tuy không nói được, nhưng từ hốc mắt mờ đục củ ông lại ứa hai giọt lệ cảm thương. Ông thương cho đứa con hiếu thảo, vì ông mà phải khổ cực, vất vả. Bởi đáng lẽ giờ đây, Xinh đang có một cuộc sống khác đầy đủ nơi đất Mỹ xa xôi…

Năm 1975 Xinh mới tròn một tuổi. Cha ruột em tập trung học cải tạo tại Tiên Lãnh. Người cha đang nằm bại liệt kia đã thay mặt cha ruột Xinh nuôi dưỡng em cho đến ngày khôn lớn. Xinh nhớ như in lời mẹ kể trước lúc lâm chung : “Ngày người yêu bà vào chiến khu, bà bị bắt và tra tấn vì có liên quan. Trong cảnh ngục tù đó, bà đã gặp cha ruột Xinh. Ông là sĩ quan quản lý hồ sơ, đã giúp đỡ bà trong cơn tuyệt vọng. Ra tù, bẵng đi mấy năm, không còn nhận được tin tức người yêu, mẹ Xinh cuối cùng đã chiều ý gia đình lấy cha Xinh, người sĩ quan đã lo lắng, săn sóc bà trong những ngày đơn độc…

Cũng theo lời mẹ Xinh kể lại, những ngày bà lặn lội thăm chồng ở trại cải tạo cũng là lúc người yêu cũ của bà từ miền Bắc trở vào. Trong những năm xa cách, biết bao cô gái Hà Thành xinh đẹp vẫn không thể xoá nhoà bóng hình người yêu cũ; không lập gia đình ông ở vậy chờ đến ngày nước nhà thống nhất. Ông hăm hở đi tìm và gặp lại người yêu xưa, nay là thiếu phụ, tay bế tay bồng thăm chồng là người không cùng chung chiến tuyến với ông. Sự độ lượng cùng với kỷ niệm êm đềm của những ngày tháng cũ đã khiến ông chìa cánh tay nâng đỡ, nhận làm cha đỡ đầu của bé Xinh trong những ngày em còn chập chững. Qua từng cương vị công tác, ông đã sống một cuộc sống thanh bạch, ngay cả lúc ông còn làm Giám Đốc Ngân Hàng đầu tư phát triển của tỉnh.

Những năm tháng gian lao ở chiến trường nơi rừng thiêng nước độc còn để lại di chứng tiềm tàng trong ông. Cuối cùng do tuổi cao sức yếu, cơn sốt rét ác tính đã khiến ông bại liệt hoàn toàn. Việc ăn uống và vệ sinh giờ đây ông hoàn toàn nhờ vào Xinh, người con nuôi hiếu thảo.

Đối với Xinh, lúc nào em cũng như còn nghe phảng phất bên tai lời mẹ dặn. Bà đã phụ người yêu cũ, nay ông bại liệt không người thân thích, bà mong Xinh cố gắng thay bà săn sóc ông như một người con ruột. Chính vì thế mà Xinh đã từ chối xuất cảnh diện HO theo cha ruột, dẫu Xinh biết rằng ông cũng cần em trong những tháng ngày già lẻ loi nơi quê nhà đất khách. Em nghĩ rằng với sự trợ cấp an sinh xã hội của nước Mỹ, cha ruột em có thể sống một cuộc sống đỡ khó khăn. Còn người cha nuôi đang bại liệt đang cần có người chăm sóc. Trong những năm tháng em còn thơ ấu, ông đã coi em như con ruột. Những ngày đông tháng giá, mưa rơi tầm tả, ông lặn lội đưa đón em tới trường. Lúc em đau ốm, ông thao thức hằng đêm, lo lắng với từng tiếng ho khúc khắc của Xinh. Trong trái tim Xinh lúc nào hình ảnh hai người cha, người sinh thành và người dưỡng dục luôn quyện vào nhau trong niềm thương yêu vô hạn.


admin đăng vào lúc 3:26 PM, ngày 04-11-2014.


CHỨA CHAN TÌNH MẸ
Mai Quan Hiền

Các con của chị, đứa nhỏ nhất mới mấy tháng tuổi, đứa lớn hơn 30. Đến tháng tám này, ở tuổi 53, chị đã có 131 đứa cháu nội, ngoại, hai mươi mấy đứa vừa con, vừa rể, vừa dâu… Tôi được biết chị trong một vài lần về làm phim tư liệu cho trại trẻ mồ côi ở Tây Ninh.

Năm 1965 vì chiến tranh, chị rời quê Bến Tre lên Tây Ninh tìm phương sinh sống để nuôi mẹ già và bốn đứa cháu mồ côi. Chị xin vào phụ giữ trẻ ở trại cô nhi Tây Ninh khi đang tuổi 22 đương thì. Ba mươi hai năm qua, nơi này là mái ấm gia đình, là hơi thở, là cuộc sống, là niềm hạnh phúc của chị. Chị đã cùng sống, cùng chia sẻ nỗi buồn vui, đau đớn với các trẻ bất hạnh, gắn bó với chúng.

Tôi đọc được ở một nhà trẻ : “Chưa là mẹ nhưng chứa chan tình mẹ”. Dường như trong đó thấp thoáng hình bóng của chị.

Những thân phận con trẻ lạc loài vào đây là bắt đầu cho cuộc sống mới với số mệnh đau thương bằng hành tranh : không tên, không tuổi, không cha, không mẹ, chưa kể đến hơn 70% trường hợp trẻ vào trại có thể trạng gần như suy kiệt. Có cháu còn lòng thòng dây rốn, có cháu bị bỏ trước cửa trại hai mắt bị mù, có cháu đặt nằm trong thau với cái miệng bị hở hàm ếch đến vòm họng, có cháu mang cái đầu to đùng vì não bị úng thuỷ, dị dạng, dị tật, bại liệt, lở lói ghẻ chốc, có cháu bò lổm ngổm trong bụi cây đầy kiến vàng… Con mồ côi ở các huyện gửi, bệnh viện mang đến, có người vì quá nghèo đem con đến trại cho. Có nhiều trẻ sơ sinh khi phát hiện chỉ còn thoi thóp, tái xanh, tái xám… Nhưng chị đã cứu chúng sống cho đến bây giờ. Tất cả những số phận bất hạnh bị người đời vứt bỏ ấy đã được chị mở rộng vòng tay đón chúng vào lòng. Chị ôm ấp, yêu thương, chăm sóc, nuôi nấng chúng lớn lên, dìu dắt chúng vào đời với tấm lòng nhân hậu và độ lượng của mình : dù sao chúng cũng là những con người vô tội, đã trót sinh ra với kiếp đời nghiệt ngã.

Chị làm cho mỗi đứa một giấy khai sinh đàng hoàng để còn đi học. Chị đặt tên, chọn họ cho từng đứa một, chọn ngày lành tháng tốt lấy làm ngày sinh tháng đẻ cho chúng với kỳ vọng cuộc sống ngày mai của chúng sẽ là những may mắn, sung sướng và hạnh phúc (bé Minh bị mù hai mắt, thằng Phong Lưu bị bại não, thằng Sang, thằng Mạnh, con Vui, thằng Phú, thằng Quí…).

Mỗi đứa bé là một số phận gắn liền với cuộc đời của chị. Chị đã khóc sung sướng khi bé Bình với hai bàn tay, bàn chân dị dạng, bước những bước đi chập chững đầu tiên trong cuộc đời không may của mình, cũng như phải thức suốt đêm vì những cháu bại liệt bị sốt đột ngột… Và đau đớn khi chúng lìa đời vì căn bệnh vô phương cứu chữa.

Ai đã từng nuôi con, nhìn chúng lớn lên với cuộc đời chắc đã thấm với những lo toan, bận bịu cho một đứa trẻ. Riêng chị đã phải gánh vác từ 60 - 70 đứa trẻ nheo nhóc chỉ với hai, ba người cộng sự, nhất là giai đoạn 1978 - 1980, lúc đất nước gặp khó khăn, gạo không đủ ăn, chị đã phải dùng bo bo (cao lương) ngâm nước rồi xay thành bột làm bánh tráng cho các cháu ăn. Các cháu sơ sinh thì cho bú sữa…bo bo xay, trộn bắp, đậu đen, đậu đỏ…

Hàng trăm mảnh đời khác nhau, hàng trăm dòng máu khác nhau, nhưng chúng đã hoà quyện làm một khi vào đây sống với chị. Đứa lớn chăm sóc đứa nhỏ, đứa nhỏ bế em bé. Có thể nói, khó mà biết được rằng chúng không hề là anh em ruột với nhau. Chúng cùng ăn, cùng ngủ, cùng chơi và cùng khóc sướt mướt khi một đứa tẻ vì bệnh tật qua đời…

Bấy giờ nhiều đứa con của chị đã lớn khôn, đã thành danh và đã làm nên việc : hơn 20 người là giáo viên các cấp, rồi thợ mộc, thợ may, thợ hồ… Những đứa con cứng cáp với đời như chị nói, lại được chị lo dựng vợ gả chồng, làm tiệc cưới hẳn hoi, cũng có bông đeo tai, nhẫn cưới làm của hồi môn.

Suốt quãng đời đã qua của chị là những nỗi lo : Lo hết gạo, hết củi, sợ mùa mưa đến, vì mỗi lần đầu mùa mưa có từ bảy đến tám đứa bệnh, rồi đến dịch sốt xuất huyết, năm nào cũng chuẩn bị dành dùm tiền (từ công lao động của các con lớn) để có thể mua thuốc trị bệnh ngay cho các cháu nhỏ…

Giờ đây, cơ sở vật chất của trại cũng khá đầy đủ nhờ vào những đoàn từ thiện, từ các sở, ban, ngành quản lý thường xuyên giúp đỡ, cuộc sống ở trại đỡ vất vả hơn trước. Nhưng chị vẫn chưa hết lo âu : ra đời rồi nhưng nhiều đứa nghèo, vất vả, đến lúc khó khăn lại kéo về đây tá túc vài ba hôm, đến khi đi chị phải xúc cho hai ba bát gạo… Mới đây chị cho tôi hay hết năm 1998 chị phải về hưu, vì chị là biên chế chính thức của ngành lao động thương binh và xã hội. Tôi hỏi chị có dự định gì chưa. Chưa bao giờ chị nghĩ rằng một ngày nào đó chị rời xa căn nhà chứa đầy kỷ niệm hạnh phúc giữa chị và các con. Rời xa các con là sự mất mát lớn lao, vì nguồn an ủi duy nhất trong cuộc đời của chị chính là những đứa con mồ côi.


admin đăng vào lúc 3:30 PM, ngày 04-11-2014.


NHẬT KÝ VỀ MẸ
Hoàng Ngọc


Ngày…
Mẹ ơi, tháng bảy rồi đó mẹ!

Con lấy chồng xa, lâu lâu mới về thăm mẹ. Gần năm mươi tuổi đầu mà nói thương nhớ mẹ khôn nguôi thì sẽ có người cười phải không mẹ ?

Thuở nhỏ, con thường hay theo mẹ lên chùa tụng kinh Vu Lan. Tháng bảy Vu Lan - mùa báo hiếu ! Nghe thầy nói chiều nào thầy cũng lạy Phật cầu cho cha mẹ siêu thoát, con tự nhủ mình sẽ luôn ở bên mẹ để phụng dưỡng mẹ chứ không bỏ mẹ mà đi tu như thầy. Rốt cuộc rồi con cũng bỏ mẹ mà đi…lấy chồng.

Ngày…
Hôm nay là ngày đầu tiên Thục Vy đến trường. Nhìn nó tung tăng cùng các bạn vào lớp học con thấy nhớ mẹ. Ngày mẹ dắt con đến trường sao mà thiêng liêng quá ! Đối với con cái gì cũng mới mẻ, cái gì cũng lạ lùng. Thấy chiếc xe đò to cao từ từ chạy tới, con thét lên run rẩy… Mẹ ôm chặt con vào lòng che chở, vỗ về. Trước khi cô giáo bước vào lớp mẹ còn nhét vào cặp con nửa ổ bánh mì thịt, mẹ sợ con bị đói. Hôm đó, cô giáo không cho chúng con ăn trong lớp, mẹ đâu có biết.

Ngày…
Con chuẩn bị cho Thục Vy vào đại học. Nó đã lớn, cuộc sống ở ký túc xá rồi nó sẽ quen như con khi xưa… Lúc đầu, chủ nhật nào con cũng về thăm mẹ. Rồi hai tuần, ba tuần, có lúc năm sáu tuần. Tháng nào mẹ cũng gửi thư, gửi tiền, mẹ viết cho con rằng mẹ chỉ sợ con đau ốm. Con đâu biết rằng mẹ ngày ngày vì thương nhớ con, mẹ ngồi vuốt từng sợi tóc rụng của mẹ thành một búi đầy…Mẹ ơi, con thương mẹ !

Ngày…
Thục Vy nó dắt bạn trai về nhà giới thiệu với con. Nhìn khuôn mặt rạng rỡ của nó con thấy chạnh lòng. Con có quá ích kỷ, hẹp hòi lắm không mẹ ? Ngày trước, khi anh ấy về nhà mình mẹ còn vui hơn cả con nữa! Con bị choáng ngợp trong không gian toàn là hình ảnh của anh ấy. Con như con chim sơn ca líu lo vui hát. Trong mắt con, trong lòng con, xung quanh con tràn ngập ánh sáng, hương hoa, mật ngọt của tình yêu. Mẹ ơi, con khóc rồi ! Đâu có mẹ lau nước mắt vỗ về con nữa! Khi những giọt nước mắt ghen hờn, ích kỷ, tình thường chảy xuống, con thấy thương mẹ vô vàn. Thục Vy nó đã lớn, nó đã rời xa vòng tay yêu thương của con. Con biết nó có khung trời riêng của nó, nó có bè bạn, hẹn hò… Nó là con ngày xưa : mẹ cho tiền, mẹ may quần áo, mẹ nhắc đi ngủ, mẹ đi họp phụ huynh, ôm mẹ mà ngủ cho ấm, mẹ ơi con thèm món này, con thích món kia, giận dỗi, hờn lẫy… Con bây giờ như cái bóng mờ nhạt bên Thục Vy, một cái bóng không thiếu được. Ngày xưa, con vô tâm đến nỗi…con làm sao thấy được những giọt nước mắt thầm lặng của mẹ, làm sao hiểu được tấm lòng cao cả, sự hy sinh vô bờ bến của mẹ ?

Ngày…
Tiệc cưới đã tan. Căn nhà của con sao trống vắng lạ. Nhìn những đồ dùng của Thục Vy con nhớ nó da diết… Con lại khóc. Ngày con hớn hở, tươi cười cắp tay người yêu bước lên xe hoa mẹ không tỏ vẻ gì không vui. Ngược lại, mẹ luôn nhìn con và mỉm cười, ánh mắt đầy vẻ thương yêu. Con đang lo cho Thục Vy. Lần đầu tiên về sống trong căn nhà xa lạ nó có quen được không? Nó ăn uống ra sao? Nó có làm điều gì sai quấy khiến người ta phiền trách không? … Nỗi lo cứ trĩu nặng trong lòng con. Khi xưa mẹ dạy con nấu ăn, may vá, thêu thùa, dạy con đi đứng, nói năng… Mẹ sợ người ta chê con gái mẹ hư. Con cằn nhằn : Con chỉ là con gái mẹ thôi!

Ngày…
Thục Vy đã sinh được hai ngày. Con đã chăm sóc nó như mẹ đã từng chăm sóc cho con. Lúc sinh Thục Vy, người đầu tiên con nhìn thấy khi vừa mở mắt ra là mẹ, nhưng người mà con muốn nhìn thấy hơn ai hết là Thục Vy. Tất cả đối với con lúc đó chỉ là Thục Vy. Mẹ như một bà tiên hiền tốt bụng và rộng lượng, mang đến cho con sức mạnh và nghị lực để vượt qua sóng gió cuộc đời. Đàn bà đi biển mồ côi một mình. Sai rồi, con đâu có mồ côi, con có mẹ mà!

….Rồi ngày dài tháng rộng, con nuôi Thục Vy lớn lên con mới thấu hiểu tấm lòng của mẹ. Đâu chỉ đơn giản kể rằng cho con bú, nhường chỗ ráo cho con, thức trắng đêm khi con quấy khóc, tắm rửa, giặt giũ, nhường món ngon cho con, lo lắng mỗi khi con đi đâu xa… Không đủ, chưa đủ và không bao giờ đủ !


admin đăng vào lúc 3:31 PM, ngày 04-11-2014.


HẬU SỰ
Dương Trần


Làng tôi là một dãi đất cằn cỗi nằm dọc bên bờ Phá Tam Giang mà sóng gió của nó đã xô vào tận trong ca dao : Thương em anh cũng muốn vô. Sợ truông nhà Hồ, sợ Phá Tam Giang”.

Tôi về thăm quê, thăm gia đình giữa thời buổi rau cháo cầm hơi này. Sau bữa ăn sum họp đầu tiên, cha tôi vui mừng tâm sự : “Của chìm cha mẹ còn lại được ba chỉ vàng. Cha thấy đời sống ngày càng khó, sợ ăn thâm mất nên đã đem bán sắm được hai cái cỗ hậu sự cho hai ôn mụ (ông bà) rồi. Bây chừ thì có nhắm mắt cũng yên lòng”… Tôi lấy làm ngạc nhiên, thưa lại : “Sức khỏe cha mạ đã đến nỗi nào. Sự sống trước mắt ngặt nghèo thế này mà không chịu lo, cha lo chi cái chết chưa tới. Người chết thì để người sống lo cho, hơi đâu”…. Cha tôi trầm tư giây lát, rồi tiếp : “Con nghĩ rứa cũng phải, nhưng mà con chưa thấu hết nỗi khổ ở đời mô. Cha đã từng chứng kiến cái cảnh quá đau lòng khi con cái không sắm nổi cái hòm để chôn cất cha mẹ. Cha thấy mấy đứa con đứa mô cũng quá nghèo, cha không muốn tụi con phải khổ tâm… Thôi thì ăn mấy cũng hết…”

Lo cho con đến thế mà thân già cha mẹ tôi vẫn không yên, càng thêm khổ não. Cũng vì con cái mà ra cả. Trước hết là vì chú em tôi. Lúc đó chú đã tốt nghiệp cử nhân, đang dạy học. Chú ấy là niềm tự hào lớn của cha tôi.

Không tự hào sao được khi một người nông dân quê nghèo nuôi con học hết đại học, phải trả cái giá cao biết mấy mới được như thế đấy. Vậy mà chỉ có một lần lâm bệnh là chú xuôi tay, bỏ lại vợ hiền con dại và nỗi đau vô bờ cho cha mẹ già. Chú trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay nâng niu của cha. Cha ôm con ngồi chết lặng!

Rồi cha tôi cố nén xuống nỗi đau, bảo : “Thôi thì nghĩa tử là nghĩa tận, vợ con nó lấy mô ra để mà…”.

Thế là một cỗ hậu sự đem cho con, để con được ấm thân dưới ba tấc đất…
Rồi đến anh tôi. Anh ấy nguyên là giáo viên trung học đệ nhất cấp (cấp II), dạy học tại quê nhà, là người con có tiếng hiếu thảo trong vùng. Tưởng sẽ sống đời bên cạnh song thân, nhưn rồi anh bị tổng động viên phải làm ông sĩ quan. Dù anh ấy phải đi học tập cải tạo nhưng cha tôi vẫn vui mừng, bảo : “Học tập rồi sẽ về, vẫn còn có phước hơn nhiều người phải mất mạng mà chẳng được tích sự chi cả. Anh tôi trở về làm người nông dân chất phác, lấy một cô gái chân quê hàng xóm. Đó là cả nguồn an ủi lớn của cha mẹ tôi… Nhưng rồi cái phần số của anh cũng không hơn gì đứa em. Anh tôi bị ung thư gan cấp tính. Biết mình phải chết nhưng anh vẫn giấu cha giấu mẹ, anh bảo : “Bệnh đau bụng thường thôi. Bác sĩ dặn rằng nghỉ ngơi vài tháng thì khoẻ thôi, cha mạ đừng lo”. Lần hồi cha mẹ tôi cũng đoán ra điều bất hạnh. Nhưng đành chấp nhận nỗi tuyệt vọng chứ kêu than cũng không thấu trời!
Thêm một cỗ hậu sự nữa cho con. Thế là hết!

Cha tôi là người có học. Dù chưa đạt bậc nho gia nhưng cũng là người hiểu biết đạo lý làm người. Và, chính sự hiểu biết ấy làm cho cha tôi đau khổ hơn. Khổ vì mất con đã đành, đằng này cha tôi phải khắc khoải, tự thắc mắc hoài : “Vì rằng mình phải chịu cảnh vô phần bạc phước như ri ? Một đời mình luôn lấy điều nhân nghĩa mà sống thì vì cớ chi? Đôi lần, tôi cố tìm lý lẽ để xoa dịu phần nào nỗi khổ vô bờ ấy. Tôi phân bua rằng triết lý nàh Nho chỉ dạy cho chúng ta sống chân chính thôi chứ không thể giải thích được chuyện sinh tử đâu. E cũng phải tin cuộc đời này là cõi tạm, chết chưa hẳn là hết. Biết đâu…

Ai mà biết được những gì còn tiếp diễn sau khi chết? Trước mắt đó là cái mất đi không bao giờ tìm lại được. Là vĩnh biệt!

Anh em tôi còn lại ba người. Thời buổi khó khăn đã qua. Cha mẹ tôi đã vào tuổi thượng thọ. Có một dịp chúng tôi ngồi lại với nhau dưới mái nhà xưa đã phong rêu ấy. Chúng tôi bàn nhau đóng góp người ít kẻ nhiều để sắm trước cho cha mẹ đôi cỗ hậu sự, dù sang dù hèn đấy cũng là chút an ủi tuổi già.

Anh cả tôi đồng ý ngay vì hiểu rằng tính cha tôi ưa lo xa, nhưng giờ thì không tự lo nổi nữa rồi. Lại nữa, giờ chỉ còn mình anh cả ở lại quê nhà, lỡ cha mẹ nằm xuống đột ngột thì khó bề bàn tính với hai em. Lo trước được gì thì nên lo.

Anh cả tôi đứng ra thưa chuyện với cha mẹ. Mẹ tôi lắc đầu. Cha tôi cũng từ chối. Cha tôi bảo : “Thời buổi bây chừ đã thuận tiện lắm rồi, không cần phải sắm trước làm chi mất công canh giữ mối mọt. Tới đó hẵng hay. Với lại, sức khoẻ của cha mạ coi bộ cũng còn khá, còn chống chỏi được mà…”

Cha tôi không muốn nhắc tới chuyện chết nữa. Chúng tôi hiểu ra là cha mẹ tôi bị cái ấn tượng hãi hùng : hễ sắm trước quan tài là phải đem dùng chôn con. Đừng bắt cha mẹ phải chứng kiến thêm một lần nào nữa cái cảnh lá xanh rụng xuống, là vàng trên cây!

Ôi, có một loại nghĩa tử mà nghĩa không bao giờ tận….!


admin đăng vào lúc 3:34 PM, ngày 04-11-2014.


NGƯỜI BÁN TUỔI THƠ
Trần Nhã Thuỵ


Mãi cho đến sau này, khi đã sống nhiều năm xa quê, tôi mới thật sự hiểu một điều giản dị : những bí ẩn của đời sống là ở chính sự hồn nhiên. Trong ký ức, tuổi thơ như một vùng sáng lung linh, kỳ diệu. Nói về điều này, tôi xin kể một câu chuyện về người bạn tuổi thơ của tôi.

…Đó là những ngày tháng của năm cuối bậc tiểu học. Dạo ấy trong lớp tôi đột nhiên xảy ra hiện tượng mất cắp vặt. Khi thì cây thước kẻ, khi thì chiếc compa, có khi lại là một cuốn truyện tranh. Các bạn trong lớp tỏ ý bất bình lắm nhưng chưa tìm ra được thủ phạm. Cho đến một hôm chính bản thân tôi bị mất một cây bút Kim Tinh mà người cậu vừa mới tặng. Tôi vừa buồn vừa sợ bảo cả lớp hãy mỏo cặp sách cho cô khám xét. Tôi đi theo chân cô giáo. Lớp học lào rào tiếng mở cặp, tiếng xì xầm bàn tán, nghi vấn…Chợt có một người không chịu mở cặp cho cô khám xét. Người ấy là Hạnh, cô bạn ở cạnh nhà tôi. Hạnh là một cô bé học lực trung bình nhưng đặc biệt mê đọc truyện. Cô bé rất thích những đồ vật lung linh, đẹp đẽ hay mơ màng. Có một lần đi hốt trấu, không biết mãi mơ tưởng điều gì, hay vì quá mệt mỏi mà Hạnh ngủ thiếp đi, trấu phun ra phủ kín cả người. Cho đến khi người đi hốt trấu đến sau phát hiện ra thì cô bé vẫn còn ngủ. Từ đó bọn trẻ trong xóm tôi gọi trêu Hạnh là con trấu.

….Mặt Hạnh tái mét. Cô giáo lấy chiếc cặp mở toang ra. Và tôi thấy có cây bút của mình ở trong đấy. Cả lớp làm ầm lên. Cô giáo bảo cả lóp im lặng. Cô hỏi Hạnh : “Tại sao em lại lấy cắp của bạn? Những lần trước có phải em lấy cắp không?” Hạnh ràn rụa nước mắt, giọng đứt quãng : “Dạ! Thưa…em không lấy cắp…Em nhặt được ạ!”…Cô giáo bảo : “Em đừng nói dối nữa. Mà nếu nhặt được của rơi thì phải trả lại cho người đánh mất chứ. Em làm cô thất vọng quá…”. Từ đó lớp tôi gọi Hạnh là con ăn cắp. Mọi người bắt đầu xa lánh nó. Tôi cảm thấy buồn buồn.

…Rồi một hôm đang giờ học, Hạnh mang lên cho cô giáo một hộp bút chì màu bảo là nhặt được. Cô giáo hỏi có ai đánh rơi không. Cả lớp lắc đầu. Cô giáo mang lên cho ban giám hiệu. Tuần sau, Hạnh lại mang lên một cuốn tập mới, bảo là nhặt được. Nhưng lớp tôi lại không có ai đánh rơi cả. Tiếp đến Hạnh mang đến lớp một số tiền nhặt được. Lần này thì có thằng Toàn lác đứng lên nhận. Cô giáo tuyên dương Hạnh. Các bạn không còn xa lánh Hạnh nữa. Nhưng tôi vẫn thấy Hạnh buồn lắm. Thỉnh thoảng Hạnh lại mang đến lớp những đồ vật mà nó nhặt được. Có khi có người đứng lên nhận. Có lúc tôi cảm thấy dường như mình có lỗi với Hạnh (!).

…Một hôm, tôi đang ngồi ở nhà học bài thì thấy mẹ Hạnh hớt hãi chạy sang xin mẹ tôi một củ gừng. Hạnh bị cảm lạnh. Tôi cũng theo mẹ chạy sang. Hạnh đang nằm trên giường, người lạnh ngắt, hơi thở yếu ớt, nước mắt nhoè nhoẹt. Sau một hồi được cạo gió, xoa dầu và đổ nước gừng vào miệng thì người Hạnh ấm lại dần rồi chìm vào giấc ngủ mệt nhọc. Mẹ Hạnh kể dạo này hễ đi học về là Hạnh tranh thủ đi hốt trấu hoặc ra ruộng bắt cua về bán, dành dụm tiền để ủng hộ cho các bạn nghèo, học giỏi. Hạnh vừa nhờ mẹ mua một chiếc khăn tay mới để tặng bạn… Tôi ngồi nghe và dần dần vỡ lẽ. Thì ra bấy lâu nay Hạnh không hề nhặt được của rơi. Hạnh âm thầm kiếm tiền mua đồ mang đến lớp bảo là nhặt được. Hạnh muốn chuộc lại lỗi lầm của mình(!). Tôi lại nhớ đến nụ cười của thằng Toàn lác khi nhận tiền và ánh mắt thật buồn của Hạnh. Tôi đoán chắc thằng Toàn lác là thủ phạm chính, còn cây bút của tôi có thể là Hạnh đã nhặt được (?) . Tôi buồn quá, bật khóc.

…Tôi định đem sự thật câu chuyện để kể cho cô giáo và các bạn nghe. Nhưng rồi không hiểu sao tôi lại lặng im. Hạnh cũng không nhặt được thêm cái gì nữa. Hoàn cảnh gia đình nó càng lúc càng khó khăn. Rồi Hạnh nghỉ học, theo gia đình đi vùng kinh tế mới… Cho đến bây giờ mỗi lần nhớ đến tuổi thơ tôi lại nhớ đến Hạnh, nhớ con trấu, con ăn cắp….như nhớ một bài học tuổi thơ, một kỷ niệm khó phai mờ.


admin đăng vào lúc 3:35 PM, ngày 04-11-2014.


BỐN NĂM CÕNG BẠN ĐI HỌC
Võ Thành An


Bốn năm trước tôi biết đến em, hồi em học ở cấp II, từ năm lớp 6. Tôi đã có những dự định làm được việc gì đó cho em. Nhưng thời gian thì vẫn cứ trôi, còn tôi phạm phải tội vô tình.

Nguyễn Trường Thành hiện là học sinh lớp 10 A1 của trường trung học Nguyễn Hữu Cảnh, Huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Bị liệt năm lên hai, đôi chân Trường Thành dần teo lại, mọi sự di chuyển phải lết. Điều an ủi của gia đình khi em lớn lên theo học ở trường làng là liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi, lại rất hiếu học.

Dạo năm 1993 khi trường cấp II xã Long Điền B giải thể, hoàn cảnh nghèo, cha mẹ em không đủ điều kiện cho ra trường thị trấn để học, đến mười cây số. Trong khi đường quê đi lại hết sức khó khăn, nhất là gặp ngày mưa đường trơn, lầy lội. Gia đình bốn nhân khẩu với hai công rưỡi đất ruộng, cha Thành phải đắp đổi thêm bằng nghề sạt bình. Lo ăn đã khó, huống nữa lo học. Đôi chân Trường Thành mang tật, ai sẽ đưa đi học hàng buổi. Quá cường điệu không khi tôi gọi Trần Hoà Hậu là vị cứu tinh. Em đến không đem theo hào quang chói loà mà xuất phát từ tình bạn hữu, một tấm lòng đầy nhân ái. Bốn năm liên tục cõng bạn đi học. Đưa được bạn lên yên xe đạp đã khó, gặp những chiếc cầu cao miệt kênh rạch này, người bạn nhỏ 12 tuổi ấy gò lưng vì không muốn Trường Thành xuống xe lết qua cầu. Đến trường, gởi xe xong, Hoà Hậu đến bên bạn khom lưng thật sát đất cho tay Trường Thành vòng qua cổ để Hậu cõng vào lớp học. Công việc Hậu làm cẩn mẫn chẳng cần lời khen tặng. Một lần nhà báo tỉnh muốn viết bài về Hậu, em né tránh chẳng muốn tỏ bày. Đến khi bài và ảnh đăng báo em còn chưa đọc đến.

Tôi còn nhớ lần nhà trường tổ chức buổi đố em, tôi phụ trách điều khiển chương trình. Đến lượt Thành tôi định cho qua, bởi không muốn thấy cảnh em phải lết lên bục nhận câu hỏi. Tôi đã sai, vì bản thân Trường Thành không muốn điều đó. Chẳng ai khác hơn vẫn Trần Hoà Hậu cõng bạn từ phía dưới lên giữa hàng trăm ánh mắt bạn bè đầy thán phục, trân trọng. Tôi biết, ban đầu còn có bạn trêu ghẹo, bây giờ thì hình ảnh Hậu cõng Trường Thành như bài học về tâm hồn cao thượng thật đáng kính phục.

Kể cho tôi nghe, Thành rơm rớm nước mắt. Năm 94, 95, 96 đều có lũ, con đường quê nhiều chỗ bị ngập rất khó đi. Vừa dắt xe, Hậu còn phải cõng Thành. Những ngày mưa gió lạnh lẽo vô cùng, hai bạn không áo mưa, mắt đường nước lũ dâng tràn, bấm từng ngón chân xuống đất để không bị trượt ngã. Lưng áo sũng nước mưa của Hậu, còn thấm đẫm những giọt nước mắt ấm nóng của Trường Thành, là khi Thành bảo bạn : “Hãy để mình xuống, mình sẽ lết qua được”. Hoà Hậu vẫn một mực : “Cứ ôm cổ mình thật chặt đi!”.

Thi tốt nghiệp trung học cơ sở vừa qua, hai bạn Trường Thành và Hoà Hậu đều đỗ với kết quả cao. Đây thực sự là món quà quý mà hai em đã dành tặng ba mẹ, thầy cô và bạn bè. Nhưng vào lớp 10 chỉ có mỗi Trường Thành. Biết điều này, tôi về Trà Thôn, xã Long Điền B tìm Trần Hoà Hậu, mẹ em không kìm nổi xúc động giải bày : “Sống ở vùng sâu, vì quá nghèo, Hậu phải thôi học để phụ tiếp gia đình trong công việc ruộng rẫy”. Gặp Hậu tôi ngõ lời muốn viết bài về tâm hồn cao thượng của em và sử dụng tấm ảnh mà tôi chụp cảnh em cõng Trường Thành đi học hồi năm lớp 7. Yên lặng một lúc, Hậu nói : “Chuyện ấy cũng bình thường thôi mà”. Vâng, trong cuộc đời làm thầy của mình, hình ảnh em cho “bình thường” ấy lại chính là dấu ấn khó phai mờ trong tâm tưởng tôi, một nghĩa cử mà tôi còn phải học ở em rất nhiều.


admin đăng vào lúc 3:40 PM, ngày 04-11-2014.


CÂY VIẾT MÁY
Phạm Thu Nga

Ngày ấy, có được cây viết máy Hero của Trung Quốc là niềm mơ ước lớn lao của bất cứ đứa học trò nào. Cả khối lớp 7 trường tôi chỉ có khoảng năm đứa con nhà khá giả là có được diễm phúc ấy. Thế mà vào ngày sinh nhật của tôi, tôi lại được ba mẹ tặng cho một cái. Khỏi phải nói niềm sung sướng và kiêu hãnh của tôi khi mang cây viết đến lớp.

Khoảng một tuần sau - tôi còn nhớ hôm ấy là thứ bảy - ra chơi vào tôi rụng rời cả chân tay : cây viết của tôi đã không cánh mà bay. Cả lớp lập tức xôn xao, đứa bò xuống gầm bàn, đứa lục hộc bàn, ngăn cặp, đứa rũ tung sách vở của tôi xem cây viết có lẫn vào không. Tôi cũng máy móc làm theo đám bạn, mặc dù nhớ chắc chắn rằng trước khi ra khỏi lớp mình đã cất cây viết vào hộp. Đúng lúc đó thì cô Hoa bước vào lớp.

Sau khi nghe các tổ báo cáo tình hình xong, cô Hoa bảo tôi đứng lên kể chi tiết về sự việc cho cô nghe. Tôi hăm hở kể tất cả : nào là cây viết hiệu gì, màu gì, ai cho, thường hay để đâu, mất vào lúc nào… Thằng Kiệt nhanh nhẩu :

Cô cho xét cặp hết lớp mình là ra liền đó cô!

Cô Hoa hình như không nghe thấy lời nó :

Ra chơi hôm nay ai ở lại canh lớp ?

Dạ, Thảo và Mai ạ.

Mai đứng lên :

Thưa cô, em định ở lại canh lớp với Thảo cho vui, nhưng Thảo nói em cứ ra ngoài sân chơi đi, để mình Thảo ở lại canh lớp được rồi.

Lập tức trong lớp nổi lên tiếng nhao nhao :

Xét cặp Hồng Thảo đi cô….Xét cặp Hồng Thảo đi cô….

Xung quanh tôi, đám bạn đang dồn mắt về phía Hồng Thảo, chỉ chờ cô ra lệnh là sẽ lục tung chiếc cặp kia ngay lập tức. Mà cô Hoa thì vẫn nổi tiếng là cô giáo nghiêm khắc nhất trường…

Mặt Hồng Thảo hết đỏ bừng lên rồi lại tái mét đi. Nó run rẩy lắp bắp :

Em không lấy đâu cô…Không phải em…

Thôi, các em, hết giờ rồi, sau tiết này cô còn bận hợp giáo vụ. Thứ hai cô sẽ giải quyết tiếp - Cô Hoa đột ngột lên tiếng rồi bước ra cửa, nhanh đến nổi cả lớp ngơ ngác không kịp đứng dậy chào.

Sáng thứ hai, sau giờ chào cờ nhà trường cũng dành khoảng mười lăm phút cho cô giáo chủ nhiệm dặn dò lớp. Cô Hoa bước vào, gật đầu ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống :

Lớp mình tuần qua hạnh kiểm và học tập đều tốt, cô không cần nhắc nhở gì thêm. Còn về chuyện cây viết của Nga…

Cả lớp chăm chú nhìn cô. Tôi liếc sang Hồng Thảo, tay nó run run bám chặt lấy mép bàn.

…Hôm thứ bảy cô họp xong thì bác lao công có đưa cho cô một cây viết, bảo rằng bác nhặt được khi quét lớp mình. Có phải cây viết của em đây không ?

Tôi nhìn vào tay cô. Nắp vàng…thân xanh…chữ Hero lấp lánh…Đúng là cây viết của tôi rồi.

Tôi vui sướng nói :

Thưa cô, đúng rồi. Em cảm ơn cô.

Em về chỗ đi. Lần sau nhớ giữ gìn dụng cụ học tập cẩn thận.

Cô đi rồi, tôi còn nghe trong lớp bàn tán :

May quá, không thì mất rồi.

Tội nghiệp, vậy mà cứ nghĩ cho Hồng Thảo.

Hôm ấy ra về lớp tôi lại ríu rít bên nhau, đám con gái cứ luôn miệng trò chuyện với Hồng Thảo như để bù lại sự lạnh nhạt hôm trước. Bất giác tôi thấy lòng mình vui vui và nhẹ nhỏm kỳ lạ.

Nhưng có một điều mà tôi biết, và cả Hồng Thảo cũng biết, là cây viết mà cô Hoa đưa cho tôi hôm ấy chỉ giống hệt, chứ không phải là cây viết của tôi. Ngay từ khi viết những dòng đầu tiên, tôi đã nhận ra điều đó.

Sau năm học lớp 7, tôi theo gia đình chuyển đi nơi khác. Bao nhiêu năm xa cách, không ngờ tôi và Hồng Thảo lại có dịp ngồi bên nhau. Nhắc lại chuyện xưa, Hồng Thảo mỉm cười :

Thế mà cho đến nay mình vẫn chưa nói được lời cảm ơn cô về chuyện ấy. Nga có thể tưởng tượng được không, mình đã định nghỉ học vì xấu hổ bởi hành động dại dột ấy.

Còn mình, mình cũng biết ơn cô đã dạy cho mình một cách ứng xử trong cuộc sống.

Ôi, sao mà chưa bao giờ như lúc này, tôi nhớ cô giáo của tôi đến thế!


admin đăng vào lúc 3:42 PM, ngày 04-11-2014.


CHỈ ĐƠN GIẢN LÀ…
Huỳnh Thái Huy

Anh lại nghỉ học. Cái chỗ ấy trống không. Lẽ ra phải có một mái tóc cắt ngắn, cặp kính cận dày cộm trên sống mũi. Chiếc áo sơmi trắng và dáng ngồi gù gù quen thuộc. Lời cô giáo cứ loãng đi suốt tiết. Rồi tai tôi không còn nghe thấy gì nữa. Tôi ngồi cắn bút, mắt ngó ra ngoài cửa sổ. Tôi thấy nhớ anh!…

Cách đây vài tuần, vào buổi chiều, nhỏ Thu ghé nhà tôi. Trời nóng! Tháng sáu như một giấc mơ trôi chập chờn giữa những cơn mưa bóng mây và cái nóng hầm hập!

-Thôi bỏ đó đi, Triều ơi! Hôm nay xuống cảng ăn kem với tao!

-Chắc mày lại trúng mánh ? Tôi hỏi.

Nó cười :

- Không! Tao mới cạy được của ông anh.

Anh nó là kế toán trưởng của một công ty lớn, năm nay ba mươi mấy chưa vợ. Tôi chơi thân với nhỏ Thu nên quen anh. Anh có mời tôi đi chơi một vài lần. Một lần anh hỏi :

-Triều có người yêu chưa ?

Tôi bối rối mất một lúc, hỏi lại :

- Sao anh hỏi vậy ?

-À…è, anh hỏi thử. Sau này có mang một tâm trạng nào đó, em sẽ hiểu.
Tôi hiểu. Nhưng tôi không nói. Tôi còn đi học và tôi chưa nghĩ đến chuyện đó. Nhưng qua cử chỉ thái độ, tôi thấy dường như anh ta yêu tôi thật lòng và sau những buổi gặp mặt, tôi cũng có cảm tình với anh.

…Chiếc xe của tôi nhảy lục cục như một con gà què giữa đường.

-Thôi xẹp bánh rồi Thu ơi!

Tôi bước xuống nắn nắn cái bánh sau.

-Vậy dắt vô chỗ sửa xe kia đi!

Nhỏ Thu tinh ý hơn, chỉ về cái lều nhỏ, nằm góc đường.

Cặp kính cận ngước lên và tôi thoáng thấy sự bối rối trên khuôn mặt anh. Trước đây ít phút, tôi cũng có tâm trạng ấy. Nhưng giờ thì nó trôi qua rồi.
Anh đáp lời nhỏ Thu.

- Cô dựng đó đi! Lát nữa lại lấy.

-Làm mau nghe anh! Tụi tui qua bên kia đường!

Tôi quay vào chào nhưng anh lảng đi. Cứ vờ như không biết. Chiếc xăm cùng khúc cây cứ va vào nhau lộp cộp.

Nhỏ Thu nắm tay tôi kéo đi : “Mày biết anh chàng này không ?”

Tôi giả tảng, lắc đầu : - Không!

Tưởng ai chứ khuôn mặt ấy lạ lùng gì với tôi. Anh sinh viên trường sư phạm, khoa toán. Tôi gặp anh mấy lần trong những buổi liên hoan văn nghệ. Anh chơi guitar và hát rất hay. Còn ngâm thơ thì hết chỗ chê! Có lần biểu diễn, anh ngâm đúng một bài thơ do tôi sáng tác. Tiết mục đạt quá, đến nỗi đám con gái bọn tôi dưới này cứ nhốn nháo lên. Lúc đem hoa tặng anh, tôi hỏi :

- Vậy anh biết tác giả bài thơ này không ?

Anh lắc đầu, chân thật :

- Không! Tôi đọc nó trong sổ tay thằng bạn. Vậy bạn biết chứ?

Tôi cười :

- Tôi đó!

-Bạn à! Anh trố mắt ngạc nhiên, nhưng sau đó vui vẻ rút một nhánh hồng đưa cho tôi : - Cảm ơn! Chúc mừng thi sĩ lớn! Anh nói thật to vào micro và trước ngàn cặp mắt, tôi mắc cỡ không biết để đâu cho hết!…

Chỉ có một thằng nhóc ngồi đánh bi trong lều, khi tôi quay lại. Chiếc xe đã vá xong, nằm trong góc. Không thấy anh đâu!

-Chị tới lấy xe! Bao nhiêu tiền vậy em? Nhỏ Thu nói.

Thằng nhỏ đứng dậy, hai tay đút túi, nói ra vẻ người lớn :

-Xe trong này! Chị vào mà lấy! Anh dặn tui không lấy tiền chị.

-Vậy anh đi đâu rồi? Tôi hỏi.

Tôi móc bóp lấy tờ năm ngàn, nhét vào tay nó : - Cho em ăn quà!
Thằng nhỏ trợn mắt, la hoảng : - Hối lộ, định hối lộ hả ?

Tôi với nhỏ Thu muốn bò lăn ra cười

-Cho chị cảm ơn anh nghe! Cảm ơn em nữa!

Suốt đường về, tôi đi trong im lặng, mặc nhỏ Thu đi bên cạnh líu ríu suốt. Chừng như có hình ảnh một con người, khiến tôi phải suy nghĩ…

Trường tổ chức phong trào tiếp thị lấy tiền giúp trẻ em nghèo. Tôi và nhỏ Thu tham gia ngay. Hàng ngày vào buổi chiều, chúng tôi lại mang những túi thuốc lá đi quần mấy khu phố, giới thiệu sản phẩm.

Công việc mới đầu cũng kỳ, nhưng sau quen đi và vui!

Nắng chiều hừng hực đốt nóng hè phố. Chúng tôi thất vọng định quay ra, thì một tiếng kêu phía sau. Hoá ra anh Huỳnh - anh nhỏ Thu.

-Vô đây, vô đây! Trời! Ai bắt hai đứa làm cái trò gì mà cực vậy!

Anh kéo hai đứa vô ngồi chung bàn. Rồi anh giới thiệu mấy người xung quanh. Toàn giám đốc, phó giám đốc. Tụi thanh niên bàn ngoài nghe tiếng, ngồi im re. Tự nhiên tôi cũng thấy một niềm hãnh diện ngấm ngầm.

Thôi hôm nay anh đãi! Hai đứa có bao nhiêu đặt lên đây. Anh mua hết. Các vị mỗi người mấy gói, cầm mà hút.

Tôi nhìn nhỏ thu cười, bụng nghĩ, hôm nay trời độ!

-Hai đứa ăn gì chưa? Anh hỏi.

-Chưa! Nhỏ Thu nói.

-Vậy anh kêu đồ hai đứa ăn nghe!

Anh quay phía sau, ngoắc người phục vụ : “Ê bồi!”. Và tôi trợn mắt lên, suýt làm rơi ly nước ngọt trên tay. Lại anh chàng cận thị hôm nọ, hôm nay đã khoác quần áo của người chạy bàn. Lại một hơi thở dài tuôn ra, hôm trước mang dư vị chua chát, thương hại. Hôm nay ngán ngẩm. Cái số phận lạ kỳ! Chừng như anh ta không thể làm trò gì khá hơn được!

Anh bước đến đưa tôi cái thực đơn - Cô dùng gì ?

Tôi chỉ vào một hàng chữ trên đó.

-Cái này tên nhà hàng. Đâu phải món ăn đâu cô ? Anh ngơ ngác.
Tôi cáu gắt : - Chứ tui kêu món gì đâu!

-Xin lỗi, Anh lịch sự. Lặng lẽ bước qua phía nhỏ Thu.
……

Nhưng số phận cứ run rủi cho tôi gặp anh, để viết nốt phần cuối câu chuyện.
Hội diễn văn nghệ “Đêm Tình Thương”, quyên tiền cho trẻ em nghèo được tổ chức. Tôi và nhỏ Thu cầm mấy bông hoa đứng bên dưới. Sau tiết mục đơn ca, đến phần ngâm thơ. Người dẫn giới thiệu :

-Đây là anh Nguyễn, sinh viên trường sư phạm. Người đóng góp nhiều nhất trong việc giúp đỡ trẻ em tàn tật. Ngoài giờ học tập, anh làm đủ mọi nghề để kiếm tiền quyên góp. Cho phép chúng tôi hỏi một câu, có thể gọi đó là hành vi của tâm hồn cao thượng ?

Anh cười chân thật : - Chỉ đơn giản là tôi yêu chúng nó!

Anh ngâm thơ. Lại đúng bài thơ do tôi sáng tác dạo nọ. - À, thì ra vậy! Tôi chợt hiểu. Phía sau lớp vỏ lùi xùi kia còn có một cái gì đáng quý!

Tiếng vỗ tay vang lên rào rào. Tôi mang hoa lên tặng anh :

-Xin lỗi anh nghe! Bữa trước tôi có lỗi quá!

-Có gì đâu! Anh cười xoà, rồi quay xuống khán giả, anh nói : - Xin quý vị cho một tràng pháo tay dành riêng cho tác giả bài thơ!

Tôi đỏ mặt, ngượng chết được trong tiếng pháo tay, huýt sáo ầm ĩ.


admin đăng vào lúc 3:54 PM, ngày 04-11-2014.

Search: