Welcome Khách

thuvien.ucoz.com

[ Truyện mới · RSS ]
  • Page 3 of 3
  • «
  • 1
  • 2
  • 3
Thuật xử thế của người xưa

Mục lục

LỜI GIỚI THIỆU
PHI LỘ
THAY LỜI TỰA
CHƯƠNG THỨ NHẤT: LÒNG TỰ ÁI
CHƯƠNG THỨ HAI: CHỮ LỄ CỦA Á ĐÔNG
CHƯƠNG THỨ BA: CÓ TÀI MÀ CẬY CHI TÀI
CHƯƠNG THỨ TƯ: ÂN VÀ OÁN

CHƯƠNG THỨ NĂM: ĐẠO CƯƠNG NHU

CHƯƠNG THỨ SÁU: BIẾT… SỐNG

TÂM SỰ CỦA KHUẤT NGUYÊN

PHỤ LỤC: XỬ THẾ CÁCH NGÔN

CHÚ THÍCH


admin đăng vào lúc 8:24 PM, ngày 25-11-2014.


Khoái Triệt khuyên Hàn Tín:

- “Thiên hạ lúc mới loạn, các anh hùng hào kiệt cùng gào, cùng thét. Người trong thiên hạ đều như sương đùn, mây hợp, lửa bốc, gió tuôn… cá mè một lứa… Trong lúc ấy chỉ lo có một điều là làm sao cho mất nhà Tần mà thôi”.

“Bây giờ Hán Sở tranh nhau, khiến cho những kẻ vô tội dưới gầm trời, óc gan lầy đất, cha con phơi sương ở giữa ruộng đồng, không sao kể xiết…

“Sở cất quân từ Bàng thành, vừa đánh vừa đuổi… đến mãi Huỳnh Dương… oai danh lừng lẫy thiên hạ. Thế mà quân lại bị khốn ở Kinh Sách, bức bách ở Tây Sơn. Đã ba năm rồi không sao tiến được nữa.

“Còn vua Hàn thì đem vài mươi vạn quân, giữ Cung, Lạc, nhờ cái thế hiểm của núi sông. Nhưng một ngày đánh mấy trận, không được lấy tấc công. Thua chạy không ai cứu, bại ở Huỳnh Dương, bị thương ở Thành Cao bèn chạy sang miền Uyển Khí.

Thật là “khỏe cũng khốn, mà khôn cũng khốn”.

Trăm họ khổ sở kêu ca, nhong nhóng không nơi nương tựa. Cứ như tôi tính trừ phi hạng Hiền Thánh trong đời, không sao dẹp yên nổi tai vạ trong đời…

“Hiện nay tính mạng hai vua, treo cả ở tay Ngài. Ngài giúp Hán thì Hán được, mà sang Sở thì Sở được! Tôi xin mở lòng dạ, phơi gan mật, bày kế ngu, chỉ sợ Ngài không biết dùng. Nếu Ngài thực biết nghe kế của tôi, thì không gì bằng giúp cả đôi bên mà để họ còn cả! Chia ba thiên hạ ra như ba chân vạc, thế không ai dám động binh trước. Ngài giữ đất cường Tề, gồm đất Yên đất Triệu chẳng đủ dựng nên cơ nghiệp lớn ư?

“Tôi nghe Trời cho mà không lấy sẽ có họa hại, thời đến mà không làm sẽ phải tai ương. Vậy ngài nghĩ cho kỹ”.

Hàn Tín nói:

“Vua Hán đãi tôi rất hậu, tự đem xe cho tôi đi. Tự cởi áo cho tôi mặc. Tự sẻ cơm cho tôi ăn. Tôi nghe: Đi xe người ta thì mang lo cho người ta. Mặc áo người ta thì bận nghĩ vì người ta. Ăn cơm người ta, thì chết về việc người ta. Tôi há tham lợi mà quân nghĩa ư!”.

Khoái Triệt nói:

“Ngài tự cho là thân với vua Hán, muốn dựng cơ nghiệp muôn đời! Tôi trộm nghĩ, không gì lầm hơn nữa…

“Xưa, khi Thường Sơn Vương cùng Thành An Quân lúc còn áo vải, cùng nhau kết làm bạn sống chết với nhau. Về sau, cãi nhau về chuyện Trương Áp, Trần Thạch mà hai người trở lại thù nhau. Thường Sơn Vương phản Hạng Vương đem đầu Hạng Anh mà trốn sang với Hán Vương, lại nhờ Hán Vương xuống miền Đông giết Thành An Quân ở phía Nam sông Kỳ, đầu một nơi, chân một nẻo. Rút lại, làm trò cười cho thiên hạ. Hai người ấy là hai người chơi thân với nhau nhất ở trong đời, vậy mà rút cuộc đến giết lẫn nhau là vì sao? Hại sinh ra bởi muốn nhiều, mà lòng người khó lường được!

“Nay Ngài muốn giữ trung tín để cầu thân với vua Hán, tất cũng không sao bền hơn tình bè bạn của loại người kia. Còn việc thì nhiều việc còn lớn hơn là chuyện Trần Thạch, Trương Áp nữa kìa. Vậy, việc Ngài tin vua Hán quyết không hại Ngài, tôi cho là một việc lầm to tát vậy. Đại Phu Văn Chủng và Phạm Lãi làm cho nước Việt mất mà lại còn, giúp cho Câu Tiễn được nên nghiệp bá… thế mà rồi kẻ thì chết, người trốn. “Muông nội đã hết, thì chó săn cũng giết đi mà ăn thịt”. Nói về tình bạn, thì Ngài và Hán Vương không được bằng Thường Sơn Vương và Thành An Quân mà nói về trung tín, thì chẳng qua Ngài như Văn Chủng và Phạm Lãi đối với Câu Tiễn là cùng. Cứ xem hai người đó là đủ. Xin Ngài nghĩ cho sâu điều đó.

Vả lại tôi nghe “dũng lược mà át cả chủ thì khốn thân; công lớn mà trùm cả đầu thì mất thưởng”. Nay tôi xin kẻ những công lược của Đại Vương: Ngài sang qua Tây Hà, tóm vua Ngụy, bắt Hạ Thuyết: dẫn quân xuống Vĩnh Hình, giết Thành An Quân, tuần đất Triệu, hiếp đất Yên, định đất Tề; sang Nam đánh tan quân Sở hai mươi vạn; qua Đông giết Long Thơ, quay về Tây để trả lời… Kể ra thì công ấy trong thiên hạ không hai, mà lược ấy không mấy đời đã có. Nay Ngài đem cái “oai át cả chủ”, cầm cái “công hết lối thưởng” mà về Sở, thì người Sở không tin, về Hán, thì người Hán hoảng sợ… Ngài định mang cái đó về đâu? Thế ở địa vị kẻ làm tôi mà cái oai át cả chủ, danh cao nhất thiên hạ… Tôi trộm nghĩ lấy làm nguy cho Ngài”.

Hàn Tín cảm ơn… nhưng dùng dằng. Khoái Triệt thấy thế bảo thêm:

- Quyết đoán cần cho người khôn, ngờ vực làm hại công việc. Đắn đo việc nhỏ thường bỏ sót việc lớn. Trí ta biết rõ mà gan ta không dám làm trăm sự tai vạ gây ra đều vì thế cả. Bởi vậy mới có câu: “Hùm thiên lần lữa không bằng ong độc đốt liều! Ký ký xo ro không bằng ngựa hèn sấn bước! Tuy khôn bằng Thuấn, Vũ, ngậm miệng không nói, không bằng kẻ câm điếc lấy tay chỉ vẫy…

“Lời nói ấy của tôi, biết làm mới quý. Công là cái khó nên, mà dễ hỏng. Thời là thứ khó được, mà dễ mất. Thời ru! Thời ru! Qua mà không trở lại. Xin Ngài xét rõ cho!”.

Hán Tín nấn ná không nỡ phụ Hán. Lại tự cho là nhiều công, dù sao Hán đâu có nỡ cướp nước Tề của mình, bèn từ tạ Khoái Triệt.

*

Ở đây ta thấy Hàn Tín không thông tâm lý người đời. Cái chết của Hàn Tín sau nầy cũng nơi chỗ ngu đó.


admin đăng vào lúc 7:24 PM, ngày 08-12-2014.


Còn gì rõ ràng hơn được nữa lời can ngăn cuối cùng của Khoái Triệt. Khi nghe Hàn Tín sắp khởi binh kéo đến Thành Cao giúp Hán Vương đánh Sở, Khoái Triệt vội vã vào thăm. Hàn Tín hỏi:

- Tiên sinh lâu nay đi không trở về bởi tôi ngày trước không biết nghe theo lời dạy. Nay đến đây thăm tôi, chắc hẳn là có cao ý gì?

- Tôi chịu ơn tri ngộ của Ngài không nỡ lâm vào cái vạ tày đình.

- Cái vạ tày đình như thế nào?

- Ngài đóng quân ở đây, Hán Vương bị Sở vây khốn ở Cổ Lăng, mấy lần cho vời mà Ngài kháng cự không chịu về cứu. Lẽ nào Ngài không còn nhớ việc ấy! Vì không còn có cách gì sai khiến cho nổi, bất đắc dĩ Hán Vương mới sai Trương Lương đem hịch văn đến phong cho ngài làm Tam Tề Vương. Chia đất phong cho, đó là lấy lợi mà đấm miệng để Ngài đem quân về giúp. Đâu phải vì Ngài công to mà được hạ thưởng một cách tuyệt vời như thế, thực ra chỉ vì muốn cho Ngài phá Sở để đồ thiên hạ cho người ta.

“Tôi chắc rằng sau khi bình định, họ sẽ không bao giờ để cho Ngài ngất ngưởng ngồi trên ngôi Vương mà hưởng cái phúc thái bình đâu. Bấy giờ họ sẽ nhớ lại cái thù mà Ngài chống mạng bắt bí lúc bấy giờ, và lại lo rằng Ngài có chí đồ vương, họ sẽ quyết kế hại Ngài để di trừ cái bệnh tâm phúc, và mưu cái nghiệp vững bền cho con cháu. Vậy ngay bây giờ, chi bằng thừa lúc hai vua đều mệt mỏi cả, Ngài chiếm lấy đất Tề, chia ba thiên hạ mà đứng thành chân vạc mới có thể giữ được vô sự. Chứ nếu lại không nghe lời tôi mà đi phá Sở, sau khi Sở về, Ngài sẽ không sao tránh khỏi cái vạ tày đình. Ngài rất nên nghĩ kỹ”.

Tín nói: “Lời nói của tiên sinh thật là suốt lẽ, nhưng lòng Tín nầy thực không nỡ bội Hán…”.

Triệt nói: “Bây giờ không nghe lời tôi, ngày khác khi bị hại, sao cho khỏi hối!”.

*


Thật lời Khoái Triệt như lời tiên tri… Có gì lạ, nó là cái lẽ dĩ nhiên phải như thế. Hàn Tín đâu phải là không thông minh, thế mà chuyện người thì sáng mà chuyện mình thì quáng… chỉ vì đem tình cảm chen ngăn vào lý trí không phải chỗ. Hán Tín đa cảm, chỉ thấy lấn được Hán Vương là thỏa lòng, thấy được người ta chiều mình là đắc chí… Trăm lần khôn, một lần ngu… cũng đủ chết.

Về sau, việc mà Khoái Triệt tiên tri, Tín đã thấy thực hiện rõ ràng không sai một. Thế mà không còn biết thân, cao bay xa chạy… lại còn ngông nghênh tự đắc… chạm thêm vào lòng tự ái của Hán Vương nữa…

*


Bấy giờ Hán Vương bình định bờ cõi, nhất thống san hà rồi, Hán Tín không được trọng dụng… ngày tháng ăn không ngồi rồi… cũng bị giam lỏng ở trại triều. Thế mà khi Hán Vương cho vời hỏi chuyện thì lại dở giọng làm khôn…

Hán Vương hỏi:

- Như trẫm đây, khanh liệu có thể cầm nổi bao nhiêu quân?

Tín nói:

- Bệ hạ bất quá cầm được độ mười vạn quân là cùng.

Hán Vương lại hỏi:

- Còn như tướng quân thế nào?

Tín nói:

- Như thần thì càng nhiều bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu.

Hán Vương cười, hỏi nữa:

- Càng nhiều càng tốt, cớ sao lại còn bị trẫm bắt?

Tín nói:

- Bệ hạ không giỏi cầm quân, nhưng giỏi cầm tướng, vì thế mà thần bị bắt. Vả lại, bệ hạ có trời vừa giúp, nên sức người sao thể theo kịp.

Hán Vương tuy cười nói, nhưng lòng không vui, lại càng thêm nghi kỵ… nên cho về nhà riêng dưỡng bệnh, chứ không tính đến việc cất dùng.

*


Thật cách xử thế của Hàn Tín vụng không biết chừng nào. Khi mà tâm địa của Hán Vương đã hiện rõ như ban ngày, vậy mà còn khoe tài cậy khôn thì làm sao mà không bị hại cho được.


admin đăng vào lúc 7:25 PM, ngày 08-12-2014.


Đợi đến lúc bị trói đem chém ở lầu chuông cung Vị Ương, mới tỉnh ngộ:

- Ta bởi không nghe lời Khoái Triệt ngày trước, đến đỗi bị bọn đàn bà con nít nó lừa dối…

*


Hàn Tín chết… Hán Vương xem biểu mừng lắm, nhưng rồi nhớ lại công lao to lớn của Hàn Tín bụng những ngậm ngùi… thương xót, nước mắt dầm dề…

Người ta bảo, cái khóc của Hán Vương là giả dối… Không. Nó là biểu hiện của một sự tranh chấp mãnh liệt nơi lòng của Hán Vương: cười, là hả được lòng tự ái, mà rơi nước mắt dầm dề là nghĩ đến cái án bội bạc của mình nó cũng đang giày xé tâm can…

Ân càng thâm thì oán càng sâu là thế.

Tâm sự Hán Vương là tâm sự chàng Perrichon; tâm sự Hàn Tín là tâm sự chàng Armand vậy?

*


Ở trường hợp của Tín, phải xử như thế nào?

Nếu không dùng cương đạo như lời Khóai Triệt đã khuyên, thì sao không biết theo nhu đạo mà làm như Trương Lương tịch cốc…[xiv]

Trương Lương không bao giờ chạm đến lòng tự ái của Bái Công. Ông dư hiểu: công cao thì bị ghen, ngôi tốt thì bị ngờ, nên thường thác bệnh ngồi rỗi ở nhà, suốt ngày tịch cốc. Hễ ai đến chơi thì lại nói: “Người ta sinh ra trong trời đất, chẳng khác như bóng câu qua khe cửa, trăm năm như cái chớp mắt mà thôi. Tôi muốn lui vào trong chỗ núi rừng, tìm tiên học đạo để làm cái kế trường sinh, chứ hết thảy công danh chẳng qua như những đám phù vân có gì là thú. Chỉ vì nay đội ơn Hoàng đế quyến luyến nên chưa nỡ bỏ đi đấy thôi. Thực ra lòng tôi vốn không ham thích cái vinh hoa phú quý ở đời; huống chi tấm thân đa bệnh, khí huyết suy lần, nếu không sớm tìm cách tu dưỡng lấy mình, e một mai tính khí hư hoa đi rồi thì dẫu có muốn tu cũng là vô ích...”.

Đấy là lời ông gián tiếp nhắn với Hán Vương.

Quả thật vậy, Vua nghe được câu chuyện ấy, mặc dù thấy ông thác bệnh không năng vào bệ kiến, cũng không ngờ vực nữa.

Tuy vậy, một hôm vua lại hỏi dò:

- Trẫm từ được tiên sinh từng làm nên nhiều công trận. Trẫm định sẽ lấy nước lớn phong cho để đền ơn tiên sinh trong muôn một.

Nếu là Hán Tín ắt đã tỏ lòng mừng rỡ biết ơn rồi… Trương Lương khôn ngoan trả lời:

- Thần từ khi theo bệ hạ vào đất Quan Trung, phước chí tâm linh, nhiều khi tình cờ tính toán mà đúng việc. Đó cũng bởi lòng trời muốn giúp bệ hạ chứ đâu phải là tài năng của thần. Nay bệ hạ phong thần là Lưu hầu, một kẻ áo vải mà đã được như thế đối với thần đã quá lắm rồi. Sau khi đã đội ơn dày của bệ hạ, thần muốn xa lánh trần gian theo Xích Tùng Tử mà đi chơi, nghiên cứu cái phép tịch cốc, tìm kế trường sinh. Đến như ngọc vàng chói mắt, mũ áo đầy nhà, những cái mà người ta thèm muốn không được, tấm thân đa bệnh, yếu ớt nầy không sao kham nổi. Thật, thần không dám mong mỏi thạnh ân hơn nữa.

Vua thấy Lương từ chối, ý tứ khẩn thiết cho phép về nhà dưỡng bệnh, mỗi tháng phải một lần vào chầu.

Lương từ đó đóng cửa, không bước chân ra ngoài, ngồi nhà mà tu tâm dưỡng tính. Mỗi tháng chỉ theo các quan vào chầu một lần, khi lui chầu tuyệt không nghĩ đến điều gì cả.

*


Đấy là cái đạo “công thành thân thối, minh triết bảo thân” tức là cái đạo “ngoại kỳ thân nhi thân tồn”[xv] và “bất tranh nhi tiện thẳng”[xvi] của cổ nhân vậy.


admin đăng vào lúc 7:25 PM, ngày 08-12-2014.


Hiền giả Epictète nói: “Hai con chó con đương giỡn với nhau. Nếu ta liệng cho chúng một miếng xương, chúng sẽ cắn nhau trối chết”. Tuy là lời nói tầm thường mà bao hàm một thứ triết học sâu xa không biết chừng nào…

Đem loài chó để ám chỉ loài người thì cũng hơi đắng cay… đau đớn thật, nhưng sự thật như thế, biết sao bây giờ!

“Miếng xương” có thể là một miếng đất hay một tòa nhà, một ngôi khanh hay một vương vị... Hễ cùng cho có một giá trị như nhau mới có cùng nhau tranh đấu… Trái lại thì không. Người ta có đi tranh với chó miếng xương vụn hay không? Kẻ mà chí đã gác ngoài thế sự, xem vinh hoa như bả phù vân… thì còn đi chơi với người tôi cái ngôi khanh tướng làm gì được. Hán Tín và Hán Vương tranh nhau bởi hai người này cho cái phú quý vinh hoa là sanh mạng. Chứ với Tử Phòng thì Hán Vương có muốn tranh, cũng không thấy có chỗ nào cùng tranh cho được. “Phù duy bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh”. Chỉ vì không tranh nên thiên hạ không sao cùng tranh được là thế.

Trong sách Trang Tử có câu chuyện ngộ nghĩnh nầy: Huệ Tử làm tướng quốc nước Lương. Trang Tử tính qua thăm ông chơi.

Nhưng có kẻ nói riêng với Huệ Tử: “Trang Tử qua đây là cùng ông tranh ngôi tướng quốc đó”.

Huệ Tử sợ, cho kẻ canh gác biên giới, đợi Trang Tử qua thì bắt.

Trang Tử biết chuyện ấy, không đi.

Sau rồi lại đến, gặp Huệ Tử, Trang Tử nói: “Phương Nam có con chim gọi là Uyên Sồ, ông có biết không? Uyên Sồ từ biển Nam bay qua biển Bắc, nếu không gặp cây ngô đồng thì không đậu; nếu không gặp hột luyện thì không ăn; nếu không gặp suối trong thì không uống. Có chim ụt đang rỉa lông chuột chù giữa đồng, thấy Uyên Sồ bất ngờ bay qua, sợ giành miếng ăn của nó, nên kêu ré lên để dọa Uyên Sồ đừng đáp xuống. Nay ông, vì sợ tôi giành nước Lương của ông mà kêu to lên để dọa tôi sao?”.[xvii]

*


Bảo chim ụt và Uyên Sồ cùng tranh nhau để giành cái xác chuột chù là một điều không thể tưởng tượng có được. Với kẻ có một quan niệm về nhân sinh như Trang Tử, xem vinh hoa phú quý của cuộc đời như giọt sương buổi sáng, như hoa trong gương, trăng dưới nước… thì không thể còn nói đến chuyện tranh giành những lợi hại ở cõi đời nầy với họ được nữa.

*


Chính đây cũng là một phép xử thế, cái phép “làm chiếc thuyền không” của Trang Tử.

“Có chiếc thuyền to vượt qua sông… Có chiếc thuyền không trôi dạt đụng vào thuyền. Dù người hẹp bụng đến đâu cũng không giận. Nếu trong thuyền ấy có người, thì tất trên chiếc thuyền to kia đã có người réo gọi… Gọi một lần mà không nghe, thì tất gọi đến hai lần… Gọi hai lần mà không nghe thì tất gọi đến ba lần… rồi thì sinh giận dữ mắng chửi đủ điều… Trước không giận mà hay giận, là tại sao? Vì trước thì không có người, mà nay thì có vậy”.[xviii]

Nếu ở đời mà Hán Tín biết “làm chiếc thuyền không” thì Hán Vương làm gì hại được…

Nhưng Trương Lương đây mới thật là người đại trí: “thông minh duệ trí thủ dĩ ngu”[xix]. Làm chiếc thuyền không là làm như kẻ vô tâm, như kẻ ngu khờ dại dột… Học được cái ngu nầy… đâu phải dễ gì! Và chỉ có Tử Phòng mới học được.

Thắng được cả thiên hạ làm gì nếu tự mình không thắng được cái lòng ham mê danh lợi, cái tính hiu hiu tự phụ của mình! Toàn sinh cho thiên hạ, mà giữ cho thân mình không được toàn sinh… thì cũng chưa thể gọi là người trí… Bởi thế, bình nhựt Hàn Tín vẫn xem Tử Phòng luôn luôn như bực thầy…

*


Tóm lại, ta hãy xét kỹ một cách thành thật tấm lòng mình: trong các bạn mà mình thương nhất có nhất là những người thông minh nhất, gần họ bao giờ mình cũng thấy thấp kém hơn, hay những người thật thà nhất, gần họ bao giờ mình cũng thấy cao trọng hơn?

Cái ghét nhất của người đàn bà đẹp, là có người đẹp hơn mình… Cái ghét nhất của người thông minh, là có người thông minh hơn mình. “Người ta chịu thích học văn hay mà không thích gần người viết văn hay...”. Cái đó mình cũng có thể hiểu được.

Và hiểu được bấy nhiêu là hiểu được rất nhiều cái đạo xử thế.

(HẾT PHẦN 4)


admin đăng vào lúc 7:26 PM, ngày 08-12-2014.

  • Page 3 of 3
  • «
  • 1
  • 2
  • 3
Search: