Welcome Khách

thuvien.ucoz.com

[ Truyện mới · RSS ]
Khai Thị - Quyển 1

Ban Phiên Dịch Việt Ngữ
Trường Ðại Học Pháp Giới
Vạn Phật Thánh Thành
Talmage, California
Dharma Realm Buddhist University,
The Buddhist Text Translation Society, Viet Translation Dept.
2001 Talmage Road,
Talmage, CA 95481- 0217


1. Mục Lục:

2. Phật Pháp là Thực Hành,Không Phải Chỉ Nói Suông
3. Chú Ðại Bi Tiêu Trừ Tai Nạn
4. Cực Lạc Thế Giới Ở Ngay Trước Mắt
5. Sám Hối tức là Cải Quá Tự Tân
6. Xúi Người Khác Làm Ác,Tội Mình Tăng Gấp Ba
7. Tu Hành Có Bốn Giai Ðoạn
8. Thức Khuya Dậy Sớm, Vì Ai Mà Bận Rộn?
9. Niệm Phật Giống Như Gọi Ðiện Thoại
10. Ðừng Chờ Ðến Lúc Khát Mới Ðào Giếng
11. Niệm Danh Hiệu Bồ-Tát có thể Minh Tâm Kiến Tánh
12. Chúng Sinh Vô Biên Thệ Nguyện Ðộ
13. Học Phật Cần Phải Tu Giới, Ðịnh, Huệ
14. Nước Chảy Trào Trước Cửa Chùa
15. Gia Phong của Kim Sơn Thánh Tự
16. Học Phật Cần Có Chân Tâm
17. Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm
18. Trí Huệ Quang Minh Từ Vô Lậu
19. Tu Ðức - Tạo Nghiệp
20. Vạn Vật Ðều Nói Pháp Cho Mình
21. Ðừng Chờ Tới Lúc Già Mới Học Ðạo
22. Tình Ái và Dục Vọng là Tảng Ðá Buộc
23. Chân Người Tu Ðạo
24. Hãy Nỗ Lực vì Hòa Bình Thế Giới
25. Ðả Thiền Thất Phải Khắc Kỳ Thủ Chứng
26. Làm Vừa Ðủ là Trung-Ðạo
27. Phật Pháp rất Bình Ðẳng
28. Ðại Thiện Ðại Ác Vượt Ra Ngoài Số Mạng
29. Xin Bồ-tát Làm Tiêu Ðộc Cho Toàn Cầu
30. Phật Pháp Là Gì?
31. Vô Qui Củ Bất Thành Phương Viên
32. Khi Ðắm Trước Hương Vị Thiền Thì Mọi Chuyện Ðều Sai Lầm
33.Ðạo Tràng Tốt Khó Tìm
34. Si Ái Triền Miên
35. Nỗi Bất Hạnh của Cửa Phật
36. Kiếp Sau Muốn Làm "Liên-Thể-Anh"
37. Tham Thiền: Trước Nhất Cần Xây Nền Tảng
38. Quang Âm Thiên và Khoa Học
39. Tánh, Thức, Ý, Tâm
40. Thật Ðau Lòng Cho Nền Giáo Dục Hiện Tại
41. Tham Thiền Cần Có Con Mắt Biết Chọn Pháp
42. Ðắc Nhất Vạn Sự Tất
43. Lục Ðại Tông Chỉ tức là Ngũ Giới
44. Biểu Hiện của Ðức Hạnh
45. Thiền Thất Hối Ngữ
46. Viên Mãn Mười Tuần Thiền
47. Mười Pháp Giới Không Ngoài Một Niệm Của Tâm
49. Tham Hưởng Thọ Thì Cần Gì Xuất Gia
50. Người Xuất Gia Phải Tụng Ba Bộ Kinh
51. Bốn Ðạo Tràng ở Tây-Phương: Mỹ và Gia-Nã-Ðại
52. Xuất Gia là Chuyện của Bậc Ðại Trượng Phu
53. Phật Tánh Là Bổn Nguyện Của Tất Cả Chúng Sinh
54. Số Không Là Bí Quyết Ðể Phản Tỉnh Hoàn Nguyên
55. Phụ Lục: Tiểu Truyện Hòa Thượng Tuyên Hóa


admin đăng vào lúc 6:49 AM, ngày 02-11-2014.


Người Xuất Gia
Phải Tụng Ba Bộ Kinh


Nếu bạn lý hội cảnh giới ba bộ kinh này thì mới không uổng làm tín đồ Phật-giáo.

Ba bộ kinh đó là gì? Ðó là Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Lăng Nghiêm, và Kinh Pháp Hoa. Ba bộ kinh nầy là do Ðức Thích Ca Mâu Ni Phật kim khẩu nói ra, Ngài A-Nan Tôn Giả thuật lại, sau đó viết lên lá bối hầu lưu truyền trong thế gian, trở thành bộ kinh điển mà người Phật-giáo đồ phải học và tụng.

Người xuất gia và tại gia ở Vạn Phật Thánh Thành đều phải học tụng thuộc ba bộ kinh nầy. Tối thiểu là thuộc Kinh Lăng Nghiêm, hoặc là hai bộ hoặc là ba bộ, đó là điều lý tưởng. Nếu như liễu giải kinh nghĩa, không thể chỉ ở trên mặt chữ thôi, nếu như không cầu sự thâm giải thì không ích lợi gì. Nếu như bạn có thể lý hội được cảnh giới của ba bộ kinh nầy thì mới không uổng làm một tín đồ Phật-giáo.

Lúc Phật ba mươi tuổi thì Ngài ngồi dưới cội bồ-đề đắc thành chánh giác. Suốt hai mươi mốt ngày nhập định, Ngài vì Pháp Thân Ðại-sĩ mà thuyết bộ Kinh Ðại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm; bộ kinh nầy bao quát tam tạng mười hai bộ, thuyết rõ cảnh giới viên dung vô ngại của vạn sự vạn vật trên vũ trụ này, cũng có thể gọi là "Cảnh giới của nhất chân Pháp-giới."

Lúc Phật sáu mươi hai tuổi, Tôn-giả A-Nan do quá chú trọng đến học vấn, đa văn, xao lãng chuyện tu trí nên Tôn-giả không may bị cô con gái của bà Ma Ðăng Già dùng chú của trời Phạm Thiên làm khốn, thiếu chút nữa là phá giới thể. Phật phải dùng thần Chú Lăng Nghiêm cứu Ngài A-Nan thoát khỏi nữ nạn, rồi thuyết Kinh Ðại Phật Ðảnh Thủ Lăng Nghiêm cho Ngài A-Nan. Kinh nầy là kinh khai trí huệ, hiển minh đạo lý. Nếu khai triển chân lý trong kinh, nhất định trí huệ của ta sẽ bao la, rộng lớn như biển cả.

Lúc Phật bảy mươi hai tuổi thì Ngài ở trên núi Linh Sơn trong Hội Pháp Hoa, vì các bậc đại A-La-Hán, đại Bồ-tát, diễn thuyết đạo lý "Một Phật Thừa", cũng là đạo lý làm thế nào thành Phật. Lúc bấy giờ do những người theo pháp Tiểu-thừa bỏ tâm hướng nhỏ hẹp đổi ra chí hướng rộng rãi, được chư Phật thọ ký tương lai thành Phật, nên Kinh Diệu Pháp Liên Hoa được xem là Kinh dạy thành Phật.

Nếu kẻ tu bắt chước học sinh, hết lòng chăm chỉ đọc sách, thì Tam-tạng mười hai bộ kinh rất dễ học thuộc. Song sau khi xuất gia có kẻ tưởng rằng mình đã đầy đủ rồi, rằng niệm Phật, tham thiền, học Giáo, trì giới, trì chú là đủ rồi, do đó không học hỏi kinh điển, bởi vì họ xem nhẹ tính chất trọng yếu của chuyện học kinh. Nên kẻ đời sau thì không bằng người đời trước; tạo thành tập quán biếng nhác. Ðó chính là điều bất hạnh của Phật-giáo. Nếu như mình không cấp thời chỉnh đốn lại quan niệm sai lầm đó, thì tiền đồ Phật-giáo không biết sẽ đi về đâu.

Giảng ngày 12 tháng 11 năm 1983


admin đăng vào lúc 1:24 PM, ngày 04-11-2014.


Bốn Ðạo Tràng ở Tây-Phương: Mỹ và Gia-Nã-Ðại


Bốn Ðại Bồ-Tát đến Phương-tây để hoằng dương Phật-pháp, giúp đạo Phật phát triển rực rỡ.

Ở Trung Hoa có bốn đạo tràng:

1. Núi Ngũ Ðài tại tỉnh Sơn Tây là đạo tràng của Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát.

2. Núi Nga My tại tỉnh Tứ Xuyên là đạo tràng của Ngài Phổ Hiền Bồ-tát.

3. Núi Cửu Hoa tại tỉnh An Hội là đạo tràng của Ngài Ðịa Tạng Bồ-tát.

4. Núi Phổ Ðà tại tỉnh Triết Giang là đạo tràng của Ngài Quán Âm Bồ-tát.

Bây giờ ở Mỹ và Gia-Nã-Ðại (Canada) là hai nước lớn cũng có bốn đạo tràng thuộc về Tổng-hội Phật-giáo Pháp-giới, đây là căn cứ địa để hoằng Pháp.

1. Vạn Phật Thánh Thành là đạo tràng của Ngài Quán Thế Âm Bồ-tát, tôn Quán Thế Âm Bồ-tát làm chủ, Ðịa Tạng Bồ-tát làm phụ.

2. Ở Los Angeles là đạo tràng của đức Ðịa Tạng Bồ-tát, tôn Ngài Ðịa Tạng Vương Bồ-tát làm chủ, Quán Thế Âm Bồ-tát làm phụ.

3. Tại Seatle là đạo tràng của Phổ Hiền Bồ-tát, tôn Phổ Hiền Bồ-tát làm chủ, Văn Thù Bồ-tát làm phụ.

4. Tại Vancouver là đạo tràng của Văn Thù Bồ-tát, tôn Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát làm chủ, Phổ Hiền Bồ-tát làm phụ.

Bốn đại Bồ-tát đến phương tây để hoằng dương Phật-pháp, giúp Phật-giáo phát triển rực rỡ. Mỗi người, ai tin Phật-giáo thì có thể tiêu trừ tham, sân, si (tam độc). Không tham, không sân, không si thì tâm địa sẽ sáng suốt, thế giới sẽ hòa bình, mãi mãi không còn chiến tranh nữa.

Những ai muốn triều bái Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát thì mời tới Vancouver. Nếu muốn triều bái Phổ Hiền Bồ-tát thì mời tới Seatle. Nếu muốn triều bái Quán Thế Âm Bồ-tát thì mời tới Vạn Phật Thánh Thành. Nếu muốn triều bái Ðịa Tạng Vương Bồ-tát thì mới tới Los Angeles. Hy vọng các Phật-tử có tâm kiên thành cung kính triều bái tứ đại Bồ-tát, và dụng công tu học Phật-pháp.


admin đăng vào lúc 1:26 PM, ngày 04-11-2014.


Xuất Gia là Chuyện
của Bậc Ðại Trượng Phu


Ðại trượng phu là kẻ có tinh thần kiên nhẫn không thối lui, khắc phục hết mọi gian khổ.


Ở đời, xuất gia là chuyện hết sức hy hữu, cũng là chuyện con người khó thấu đáo. Vì sao xuất gia thì nhất định phải chịu khổ? Bởi vì xuất gia thì không còn làm chuyện nam nữ luyến ái, không được khiêu vũ, và cũng không được ăn uống chơi bời nhậu nhẹt. Phàm nếu muốn trở thành bậc xuất chúng anh tài thì phải nhẫn chịu những điều người khác không thể nhẫn chịu được, phải chấp nhận nổi khổ mà người khác không thể nhận nổi. Chỉ có tu luyện như vậy mới thành thân kim cang bất hoại. Cho nên nói:

Bất kinh nhất phiên hàn triệt cốt,
Chẩm đắc mai hoa phổ tỷ hương?

Nghĩa là:

Không qua một lần lạnh thấu xương,
Sao đặng hoa mai nở ngát hương?

Người xuất gia tâm cần chuẩn bị: Xuất gia là vì muốn liễu sinh thoát tử; muốn vĩnh viễn không còn thọ nổi khổ của sinh tử luân hồi. Dù đối diện với đủ thứ khổ ải vẫn không lo sợ, càng khổ càng tốt. Khi đụng đến đau khổ chớ đầu hàng, cải biến ý hướng ban đầu, tìm cách trở đầu thối chuyển. Mình cần phải có tinh thần kiên nhẫn, bất thối, phải khắc phục mọi khổ sở gian nan, đó mới là bậc đại trượng phu. Cho nên xuất gia không phải là chuyện mà mọi người ai cũng làm được, dù là tướng tá chưa chắc đã làm đặng. Do đó nói rằng: "Xuất gia là chuyện của thần thánh," không phải là chuyện của những thứ ruồi muỗi tép riêu. Có câu rằng:

Thọ khổ tức liễu khổ, hưởng phước thị tiêu phước.

Nghĩa là:

Chịu khổ mới hết khổ, hưởng phước là tiêu phước.



Quý-vị coi các vị cao tăng đại đức thời xưa đều do tu khổ hạnh mà giác ngộ. Không vị Tổ-sư nào do sự hưởng thọ sung sướng mà khai ngộ cả. Quý-vị lùng khắp bộ Ðại Tạng Kinh cũng không tìm được vị nào cả.

Chúng ta cần phải có tâm nhẫn nại thì mới được lợi ích nơi pháp hỷ sung mãn. Phải có tâm khắc khổ thì mới đắc trí huệ giác ngộ. Không thể đi ngược lại với Phật-đạo. Mình phải luôn luôn nhiếp tâm chuyên ý dụng công, đem tâm niệm thu hồi trở lại, không có vọng tưởng vẫn vơ, đó chính là quản thúc "tâm như ngựa, ý như khỉ." Ðừng để tâm mình chạy theo ngoại cảnh.

Khi xuất gia tu Ðạo thì trước hết phải trừ khử lòng tham, phá bỏ sân hận, diệt đi si mê. Tận trừ sạch sẽ ba thứ độc đó thì trí huệ tự nhiên hiện tiền. Làm sao có thể quét sạch những thứ đó một cách triệt để? Tức là dùng Giới, Ðịnh, Huệ (tam vô lậu học) để làm công cụ. Giới thì trị được tham, Ðịnh thì trị sân, huệ thì trị si. Cho nên người xuất gia gọi là "Sa-Môn." Sa-Môn dịch ra nghĩa là "Cần Tức," tức là "Cần tu Giới, Ðịnh, Huệ, tức diệt tham, sân, si." Tức là siêng năng giữ Giới, Ðịnh, Huệ, trừ diệt tham, sân, si. Nếu mọi người ai cũng hết tham sân si, thì thế giới sẽ hòa bình.

Giảng ngày 18 tháng 11 năm 1983


admin đăng vào lúc 1:27 PM, ngày 04-11-2014.


Phật Tánh Là Bổn Nguyên
Của Tất Cả Chúng Sanh

Lúc ban sơ, vũ trụ mênh mông, bắt đầu khai thiên lập địa, thời chẳng có người, chẳng có chúng sinh, chẳng có thế giới, căn bản chẳng có gì cả. Nhưng từ từ đến cái kiếp thành thì bắt đầu có chúng sinh. Thử hỏi chúng sinh từ đâu lại? Có người nói từ nơi loài khỉ tiến hóa mà thành. Nhưng khỉ từ đâu tiến hóa ra? Nếu như loài khỉ tiến hóa thành người, thì sao bây giờ không thấy các loài khỉ tiếp tục biến thành người? Ðây chẳng qua là học thuyết của những kẻ không có trí thức. Nếu như thế tại sao họ không nói rằng người có thể do chuột biến thành, hoặc là những con vật đầy lông lá tiến hóa ra! Làm sao họ có thể biết rằng con chuột không phải là loài người biến thành? Tất cả những loại bay, nhẩy, lội dưới nước, động vật, thực vật; cho đến những loài có cánh trên trời; dưới biển những loài cá, cua, tôm, ếch cùng loài người là những có khí huyết; hoặc là loại thảo mộc. Tổ tiên các thứ phi, tiễn, động, thực ở đâu mà ra? Tất cả đều lưu xuất từ nơi Phật tánh.

Ở trong trời đất thì thiên địa có cái đặc tính là sinh sinh bất tức, hóa hóa vô cùng; không ngừng sinh hóa. Bởi vì có Phật tánh, nếu không có Phật tánh mọi thứ đều bị hủy diệt, chỉ có Phật tánh là trải qua trăm ngàn vạn năm mà không diệt, luôn luôn trường tồn. Bởi vì do Phật tánh nên mới có biến hóa thành mười Pháp giới. Mười Pháp giới này cũng không ngoài cái niệm tâm, cái niệm tâm này tức là Pháp tánh, cũng là một cái tên khác của Phật tánh; cho nên con người do Phật tánh mà biến hóa thành, súc sinh do con người đọa lạc mà thành, trong mười pháp giới này mình có thể thấy một cách rõ ràng vậy. Kẻ ngu si thì cho rằng tổ tiên người là loài khỉ, Ấn Ðộ cho bò là thần; đó tức là biên kiến; chỉ biết chỉ biết một chút mà không biết toàn thể một cách triệt để, làm thế giới trở thành mê hoặc. Những người đó còn viết sách lập thuyết, có kẻ nói rằng khoa học, có kẻ nói rằng triết học, phân chia môn loại. Kỳ thật đó chính là nhàn cư vi bất thiện, ăn xong thiếu chuyện làm, nên mới nói những chuyện mê hoặc kẻ khác. Cứu cánh, như vậy con người ở đâu mà có? Quý vị coi thử con gà ở đâu mà ra? Con gà có trước hay trứng có trước? Nếu không có gà thì làm sao có trứng, mà nếu như không có trứng thì cũng không thể có gà được! Ðó là chuyện của con gà không ra cái lý tự nhiên của nó. Như con người thì đàn ông có trước hay đàn bà có trước? Như đàn ông có trước thì đàn ông từ nơi bụng mẹ mà ra, nếu như đàn bà có trước thì phải có đàn ông mới có thai được. Bởi vì thời gian trải qua lâu dài, loài người chúng ta quên đi chuyện này như thế nào, không ai tìm hiểu nữa.

Vạn sự vạn vật, căn bản đều là do nơi Phật Tánh, tự 'có' mà hóa thành 'vô', từ nơi vô mà biến thành 'có', sinh sinh bất tức, hóa hóa vô cùng; cho nên càng hóa thì càng nhiều, giống như những thứ sâu bọ nẩy nở trong gạo vậy, càng ngày càng nhiều. Ở nơi cái chỗ vô tình mà sinh ra hữu tình. Phật Tánh thì có thể từ nơi không biến thành có, biến ra tất cả các loài chúng sinh, nhân loại cũng là cái đạo lý như vậy. Nếu như khỉ biến thành người, cái lý thuyết này hoàn toàn không lập luận được. Nếu mình coi trên thế giới mỗi quốc gia, mỗi loại người, có người da đen, vàng, trắng, đỏ đủ thứ mầu da. Những người đó thì do đâu mà biến ra? Nói đi nói lại thì cũng không tìm ra được nguyên thủy của nó. Nếu mình quy vào Phật Tánh, từ nơi không biến thành có, rồi nơi có biến thành không, hóa hóa vô cùng sinh sinh bất tức, thì lý luận này có thể nói một cách thông suốt được mặc dù ít người có trình độ để hiểu nó. Con người từ nơi chỗ không mà biến thành có, và chúng sinh cũng vậy. Bây giờ những kẻ tu Ðạo thì phải ra sao? Tức là từ có mà biến thành không, gọi là phản bổn hoàn nguyên, quay về cái chỗ bản hữu Phật Tánh. Có người hỏi như vậy thì công dụng gì? Thử hỏi, ngược lại làm người thì có công dụng gì? Mình quay về với Phật Tánh, đó tức là thành Phật Ðạo. Phật Tánh thì trường tồn, nếu khi chúng sinh đều chết hết cả rồi, thì Phật Tánh mãi mãi vẫn còn mà không bị mai một. Quí vị hỏi tại sao tôi nói như vậy? Bởi vì hôm nay là ngày vía đức Ðịa Tạng. Ngài là người có sức nguyện lực, khiến cho tôi nói điều đạo lý chân thật, căn bản làm người cho quý vị nghe, đó tức là 'Tự vô hóa hữu, tự hữu hóa vô', nếu các vị không thì thử hỏi tại sao trong gạo mà sinh ra các loại sâu bọ được? Con người ở trên đời cũng giống như loài sâu bọ vậy, bất quá con người có tri giác, có linh tánh đặc biệt hơn sâu bọ mà thôi; tuy nhiên, nếu đem so sánh với Phật thì chúng ta khác với Ngài xa lắc. Nếu đem so sánh chúng sinh với Phật thì cũng như so sánh sâu bọ với loài người vậy.

Nếu chúng ta hiểu được như thế, thì phải tu hành. Tu thì phải giữ tâm quân bình, giống như cái cân vậy, lúc nào cũng bình bình, tĩnh tĩnh; ở trong tự tánh, không một gợn sóng. Nếu như các vị thật sự hiểu Phật Pháp, thì tôi có thể cùng với các vị đàm luận Phật Pháp, nghiên cứu làm thế nào để tu Ðạo, nếu các vị không thật sự hiểu, chạy theo chuyện ham danh háo lợi, không chịu buông bỏ tiền tài, sắc đẹp, danh lợi, ăn uống và ngủ nghỉ, không chịu buông bỏ những thứ đó thì làm sao tôi có thể cùng với các vị đàm luận Phật Pháp được. Các vị phải cảnh tỉnh, cảnh tỉnh!

Giảng ngày 13 tháng 9 năm 1982


admin đăng vào lúc 1:29 PM, ngày 04-11-2014.


Số Không Là Bí Quyết Ðể
Phản Tỉnh Hoàn Nguyên


Ở thiền đường, những kẻ đủ tư cách tham thiền, biết được chút ít mùi vị thiền thì không cần nói gì với họ nữa.

'Phàm hữu ngôn thuyết đô vô thật nghĩa'

nghĩa rằng:

'Nếu còn ngôn ngữ đều là không thật nghĩa'

Tuy nhiên, đói với những kẻ sơ cơ không thể hoàn toàn không nói, nếu không nói mình sẽ đi vào chỗ cực đoan. Cho nên nói để làm chỗ cho quý vị dựa vào rồi tham thiền, đặng mở khai tâm địa. Tham thiền bí quyết là phải khiến tâm chuyên nhất. Vì vậy nói rằng:

'Thiên đắc nhất dĩ thanh,
Ðịa đắc nhất dĩ ninh.
Nhân đắc nhất dĩ thánh.
Vạn vật đắc nhất các chính tính mạng'

nghĩa là:

'Trời được Một nên thanh.
Ðất được Một nên yên.
Người được Một thành Thánh.
Mọi sự được Một mới chính là nó'

Nhất, số một, là nguyên thủy của vạn vật, tuy nhiên nó chưa phải là pháp cứu cánh. Tuy nói rằng:

'Ðắc nhất vạn sự tất.'

Nghĩa là:

'Khi được con số một, vạn sự đều xong.'

Nhưng nếu chấp trước vào cái này thì mình sẽ tự nhiên sinh ra hai, ba, bốn,... đó không phải là cảnh giới chân không. Thế nào là chân không? Có nghĩa là số không. Cái số không này giống như vòng tròn vậy, không lớn không nhỏ, không có trong, không có ngoài, không có trước cũng chẳng có sau; không rơi vào mà cũng chẳng rớt ra. Tuy nhiên, tất cả số mục không ly khai số không này.

Người tu hành chính là tự nơi số một mà quay về số không, ở nơi số không mình có thể phát sinh vô lượng vô biên tác dụng. Tuy nói rằng 'Ðắc nhất vạn sự nhất', nhưng khi tới được số không này rồi thì số một cũng không còn nữa. Ðó chính là:

'Nhất Pháp bất lập, vạn lự giai không.'

nghĩa là:

'Chẵng lập Pháp gì, mọi tư tưởng đều không'

Ðó là cứu cánh giải thoát vậy.

Nếu muốn tới số không, thì trước hết phải chuyên nhất cái tâm của mình, đừng khởi vọng niệm, tâm thể chuyên nhất thì mới có cảm ứng. Cho nên chúng ta thường nghe nói: 'Cảm ứng đạo giao nan tư nghị' là vậy.

Chuyên nhất thì mới đến được chỗ không. Muốn chuyên nhất là chuyện không phải dễ. Muốn trở về số không lại càng khó khăn hơn nữa. Tuy gặp khó khăn chẳng lẽ mình không tham thiền sao? Nếu không tham thiền thì vĩnh viễn mình không thành đạo. Cái số không là mẹ của vạn Phật, nó là bổn nguyên của chư Phật vậy. Cho nên các vị học tọa thiền, đầu tiên phải học thế ngồi kiết già. Nếu như chân đau tê cứng, không chịu được, thì mình có thể phương tiện ngồi bỏ hai chân xuống, sau đó một thời gian thì phải tập ngồi bán già, ngồi bán già nếu chân không còn đau như trước thì phải tập ngồi kiết già. Khi ngồi kiết già vững rồi, chân không đau thì lúc đó mình mới bắt đầu tham thiền để phá bỏ vô minh. Người tu đạo, ăn mo mặc ấm đã đầy đủ, hết chuyện làm, nên tham thiền, đó gọi là du hí nhân gian. Tham thiền thì phải tham thoại đầu. Tham thiền tức là tham cứu niệm trước khi nó sinh ra, không phải là thoại vĩ. Thoại vĩ tức là niệm đã sinh ra rồi. Cho nên cái niệm chưa sinh thì gọi là thoại đàu. Thoại đàu phổ biến nhất là câu 'Niệm Phật là ai?' Chữ 'ai' này chính là cái mà mình phải tham. Tưởng tượng như mình có cái khoan, bây giờ mình lấy nó ra mà khoan, mà đục, dùi mài nó cho tới lúc đâm thủng được núi đá. Tìm coi 'ai' là người niệm Phật cũng vậy. Tham lui tham tới mãi cho đến khi đâm thủng được núi vô minh. Thì lúc đó mình sẽ khai ngộ. Nhưng không phải dụng tâm ý thức mà tham thiền, không phải dụng tư tưởng mà suy nghĩ, phải dụng cái tâm chưa hề dùng tới, chưa hề biết qua bao giờ. Khi phá thủng được cái bổn tham của mình, thì sẽ khai ngộ, hư không sẽ nát vụn, ngũ ấm đều là không. Nhưng trong Bát Nhã Ba La Mật Ða Tâm Kinh có nói rằng:

'Quán tự tại Bồ Tát,
hành thâm Bát Nhã,
Ba La Mật Ða thời
Chiếu kiến ngũ uẩn
Giai không độ nhất,
Thiết khổ ách, Xá Lợi Tử!
Sắc bất dị không,
Không bất dị sắc,
Sắc tức thị không,
Không tức thị sắc,
Thọ tưởng hành thức diệc
Phục như thị...'

Khi tham thiền đến chỗ như vậy thì ngũ ấm đều thành không, lục trần không còn nhiễm được nơi mình. Ðó chính là bước đầu tiên để thành Phật; nhưng mình phải khổ công mới được. Phải biết rằng tham thiền không như niệm Phật. Miệng niệm 'Ai là người niệm Phật? Ai là người niệm Phật? Ai là người niệm Phật?....' thể như là cầu cứu vậy, là sai lầm. Tham thoại đầu thì cần phải từ từ dùi mài nó hết sức tế tâm, miên mật, ở nơi tự tánh mình mà dụng công. Cho nên gọi là Tham Ngộ. Tham ngộ nghĩa là tham tức là ngộ; muốn ngộ cần phải tham. Thực ra 'Niệm Phật là ai?' chỉ là một vọng tưởng. Tuy nhiên mình muốn dụng phương pháp dĩ độc công độc. Dùng một vọng tưởng chế phục tất cả vọng tưởng khác. Dùng một niệm mà dẹp trừ tất cả vọng niệm khác.

Vừa rồi tôi nói đến số không, số không này là con đường để thành Phật. Ðối với phàm phu thì đó là không. Sau khi thành Phật rồi thì nó trở thành:

'Ðại quang minh tạng, đại viên kính trí.'

Số không này có thể sinh ra các Pháp, nhưng cũng có thể quét trừ các Pháp. Nó là gốc để mình phản bổn hoàn nguyên. Cho nên cần ở số không này mà dụng công phu. Có nghĩa rằng dụng công ở chỗ cái gì cũng không có. Tất cả các pháp đều do số không mà sinh, tất cả các pháp đều trở về số không. Cho nên:

'Nhất bổn tán vạn thù,
vạn thù nãi qui nhất bổn.'

nghĩa là:

'Một gốc mà phân ra trăm vạn hình thù,
trăm vạn hình thù rốt cuộc qui về một gốc.'

Ngày hôm nay tôi nói điều này cho quí vị nghe không phải là một nhân duyên nhỏ, mà đây là tiết lộ thiên cơ, tiết lộ cái bí mật của trời đất. Nói đến cái bổn nguyên của chư Phật. Ðó là điều kinh thiên động địa, khiếp vía quỷ thần. Con người làm sao thành Phật? Là khi hiểu số không này. Con người tại sao đọa địa ngục, bởi vì không hiểu số không này. Do đó tất cả thiên ma ngoại đạo, sơn yêu thủy quái, hồ ly tinh, hoàng thù lang, đủ thứ yêu quái, vỉ không hiểu số không này mới đi ngược lại với Ðạo, rồi đọa lạc.

Số không này tự nó mà sinh ra các thứ khác, tự nó mới sản sinh ra đủ thứ biến hóa dị đoan. Tuy rằng hình tướng bất đồng nhưng gốc lại là một. Phàm phu bởi vì không hiểu nó nên bỏ gốc theo ngọn, xa rời cái số không này. Dẫu sao tất cả chúng sanh có Phật Tánh, đều có thể thành Phật. Tạm thời mình không hiểu, nếu hiểu thì có thể lập tức thành Phật.

Giảng ngày 11 tháng 11 năm 1982
nhân ngày Ðả Thiền Thất


admin đăng vào lúc 1:31 PM, ngày 04-11-2014.


Tiểu Truyện
Hòa Thượng Tuyên Hóa


Hòa Thượng, pháp danh An Từ, tự Ðộ Luân, là vị Tổ thứ chín của dòng Thiền Quy Ngưỡng, đắc pháp từ Ðại Lão Hòa Thượng Hư Vân. Ngoài pháp hiệu Tuyên Hóa, Ngài còn lấy hiệu là "Mộ trung Tăng" (Nhà sư trong phần mộ). Hòa Thượng nguyên quán ở huyện Song Thành, tỉnh Kiết Lâm, Mãn Châu. Ngài sinh vào ngày 16 tháng 3 năm Mậu Ngọ (1918), vào cuối đời nhà Thanh. Gia đình Ngài họ Bạch, cha tên Phú Hải, mẹ họ Hồ. Thân mẫu Ngài suốt đời trường trai, niệm Phật. Khi mang thai, bà thường cầu nguyện chư Phật Bồ Tát, nên đến đêm trước khi lâm sản, bà mộng thấy Ðức Phật A Di Ðà phóng đại quang minh, rồi liền sanh ra Ngài.

Từ thuở ấu thời, Ngài đã theo mẹ ăn chay niệm Phật. Ðến năm 11 tuổi, vì thấy được việc lớn sanh tử, đời người quá chóng vánh, nên Ngài phát đại chí quyết xuất gia tu hành. Năm lên mười năm tuổi, Ngài lạy Hòa Thượng Thường Trí làm thầy. Ðến năm mười chín tuổi, mẹ Ngài tạ thế, nhân đó Ngài lên Chùa Tam Duyên xin Hòa Thượng Thường Trí thế độ xuất gia. Rồi sau đó khoác y, dựng lều bên cạnh mộ mẹ để báo hiếu. Suốt thời gian ấy, Ngài lạy Kinh Hoa Nghiêm, lễ sám hối, tu thiền định, tập giáo quán, nghiêm thủ công hạnh ăn ngày một bữa. Khi công phu thuần thục, Ngài đã cảm động không biết bao nhiêu dân làng quanh đấy lại lễ bái, cung kính. Sự tu hành trong sạch với lòng kiền thành khẩn thiết của Ngài cũng cảm động đến chư Phật, Bồ-tát, Hộ-pháp Long Thiên khiến không biết bao nhiêu chuyện linh ứng bất khả tư nghì xảy ra. Vì những chuyện thần dị ấy lưu truyền khắp nơi, nên Ngài được gọi là "dị tăng."

Năm 1946, Ngài đến tham lễ Hòa Thượng Hư Vân, một vị cao tăng mà Ngài vô cùng hâm mộ như vì sao Bắc Ðẩu của tông môn đạo Phật. Lão Hòa Thượng Hư Vân biết Ngài là một vị long tượng trong cửa Pháp nên liền truyền thọ pháp mạch, khiến Ngài trở thành người thừa kế, làm vị Tổ đời thứ chín của dòng Quy Ngưỡng. Tính từ Sơ tổ Ma-ha Ca-Diếp thì Ngài là truyền nhân thứ bốn mươi sáu vậy.

Năm 1948, Ngài từ biệt Lão Hòa Thượng Hư Vân, lên đường sang Hương Cảng hoằng pháp, với ý định xiển dương cả năm phái: Thiền, Giáo, Mật, Luật, Tịnh để phá trừ sự phân phái chia rẽ. Trong thời gian này, Ngài đã trùng tu nhiều chùa cổ, in kinh điển, tạo tượng Phật, xây Chùa An Lạc Viên, Phật Giáo Giảng Ðường, và Chùa Từ Hưng. Ðồng thời Ngài cũng giảng kinh thuyết pháp khiến Phật-giáo thịnh hành tại Hương Cảng.

Ðến năm 1959, Ngài quán sát biết rằng Phật-giáo Phương Tây đã thành thục, có thể đem đạo lý chân thật của đạo pháp truyền bá mọi nơi, nên Ngài khiến đệ tử thành lập ở Mỹ hội "Tổng Hội Phật Giáo Trung Mỹ" (mà sau này đã trở thành Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới). Ðến năm 1962, đáp lời thỉnh nguyện của tín đồ ở Mỹ, Ngài đơn thân tới Mỹ, dựng pháp tràng "Phật Giáo Giảng Ðường" tại Cựu Kim Sơn.

Năm 1968, Ngài mở khóa hè dạy tu và nghiên cứu Kinh Lăng Nghiêm. Có hàng chục sinh viên từ Ðại-học Washington ở Seattle xuống tham gia, học hỏi Phật-pháp. Khi mãn khóa có năm vị người Mỹ khẩn cầu Ngài thế độ xuất gia, đánh dấu sự khai mở của Tăng đoàn Phật-giáo Mỹ Quốc. Từ đó về sau những người Mỹ xuất gia với Ngài càng đông, đem lại ảnh hưởng vô cùng sâu đậm đối với việc hoằng dương Phật-giáo tại Tây Phương, cũng như việc phiên dịch kinh điển vậy.

Mỗi lần giảng kinh thuyết pháp, Ngài đều giảng thâm sâu song rất dễ hiểu. Mấy chục năm qua Ngài đều thăng tòa thuyết pháp hơn vạn lần, hàng trăm tập kinh do Ngài giảng đã được dịch ra Anh ngữ; có thể nói Ngài là người đã khiến cho kinh sách dịch ra Anh ngữ nhiều nhất.

Năm 1973, Ngài thành lập Quốc Tế Dịch Kinh Học Viện với ý định đem "Ðại Tạng Kinh" dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau, khiến Phật-pháp được truyền bá khắp nơi.

Năm 1974, Ngài sáng lập Vạn Phật Thánh Thành, lập ra Ðại Học Pháp Giới, Tăng Già Cư-sĩ Huấn Luyện Bang để tài bồi nhân tài về đạo pháp với trình độ và tiêu chuẩn quốc tế. Ngài lại sáng lập ra trường Tiểu-học Dục Lương, trường Trung-học Bồi Ðức, với chủ trương dùng giáo dục để vãn cứu và sửa đổi nhân tâm. Những năm kế tiếp Ngài liên tiếp lập ra Chùa Kim Sơn, Chùa Kim Luân, Chùa Kim Phong, Chùa Kim Phật, Chùa Hoa Nghiêm, Chùa Pháp Giới, Chùa Di Ðà, Chùa Long Beach, Pháp Giới Thánh Thành, Học Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo Pháp Giới, Chùa Kim Thánh và nhiều đạo tràng khác. Ngài đã xả mình, không từ lao khổ gian nan, tự mình làm gương, dạy học thuyết pháp với mục đích làm gương để đào tạo thế hệ tương lai. Ngài đã hiến dâng Vạn Phật Thánh Thành để làm "Chỗ Quy-Y Nương-tựa của Tín Ðồ Phật Giáo Toàn Cầu." Gia phong Vạn Phật Thánh Thành rất nghiêm túc, tuân giữ sáu tông chỉ mà Ngài đã thực hành tự lúc xuất gia, đó là: không tranh, không tham, không cầu, không tự lợi, không ích kỷ, không dối trá. Do sự tu hành cũng như đạo hạnh của Ngài chiêu cảm, nên Vạn Phật Thánh Thành đã trở thành một đạo tràng trọng yếu của Phật Giáo Mỹ Quốc.

Chí hướng hay phương châm của Ngài nằm trong bài thơ sau:

Dù lạnh rét, không phan duyên.
Dù đói chết, không xin xỏ.
Dù nghèo kiệt, không cầu cạnh.
Tùy thuận ngoại duyên, song không thay đổi chí-hạnh.
Không đổi chí-hướng, nhưng vẫn tùy thuận ngoại duyên.

Thế mới giữ vững ba đại tông chỉ:
Xả mình vì Phật sự,
Tạo mạng là bổn phận,
Sửa mình làm việc Tăng.
Hễ gặp việc gì, thấu lý việc ấy.
Hiểu đạo lý gì, thực hiện lý ấy.
Vậy mới truyền thừa mạch huyết Tổ-sư.

Sự thiền định và trí tuệ thâm sâu của Hòa Thượng Tuyên Hóa, đã thật sự khai mở cho chúng sanh đời mạt pháp một con đường vĩ đại đưa đến chỗ giác ngộ. Cuộc đời của Hòa Thượng đã khiến cho chúng ta cảm động, tán thán; ví như trong đêm tối gặp được ánh đèn Bát-nhã, hay nơi chỗ mù tịt ngửi đặng mùi hương Phật-pháp, hoặc trong bùn lầy dơ bẩn khai nở bông sen trong sạch. Chúng ta mới biết được cảnh giới của bậc đại hành giả thật khó nghĩ bàn.


admin đăng vào lúc 1:34 PM, ngày 04-11-2014.


Mười Tám Ðại Nguyện của Hòa Thượng Tuyên Hóa


Năm Hòa Thượng Tuyên Hóa 19 tuổi thì mẫu thân Ngài qua đời. Sau khi lo liệu chu toàn việc mai táng, Ngài tới Chùa Tam Duyên ở Hợp Nhĩ Tân (Harbin), chính thức xuất gia, lạy Hòa Thượng Thường Trí làm Thầy. Ít lâu sau, Ngài tới mộ phần của mẫu thân thủ hiếu. Năm đó, nhân ngày vía Ðức Quán Thế Âm, ngày 19 tháng 6, Ngài đối trước chư Phật, Bồ Tát phát mười tám đại nguyện:

"Kính lạy mười phương Phật,
Cùng với Tam Tạng Pháp,
Quá khứ, hiện tại Hiền Thánh Tăng,
Nguyện rủ lòng tác chứng:
Ðệ tử Ðộ Luân,
Thích An Từ,
Con nay phát tâm rằng:
Chẳng cầu phước báo hàng Trời, Người,
Cùng Thanh Văn, Duyên Giác,
cho đến hàng Bồ Tát quyền thừa.
Duy nương Tối Thượng Thừa
mà phát Bồ Ðề tâm.
Nguyện cùng Pháp Giới chúng sinh,
Nhất thời đồng đắc
A nậu đa la tam miệu tam bồ đề."

1. Nguyện rằng nếu có một vị thuộc hàng Bồ Tát ở mười phương ba đời, trong tận cùng hư không, biến khắp Pháp Giới, mà chưa thành Phật thì tôi thề không thủ Chánh Giác.

2. Nguyện rằng nếu có một vị thuộc hàng Duyên Giác ở mười phương ba đời, trong tận cùng hư không, biến khắp Pháp Giới, mà chưa thành Phật thì tôi thề không thủ Chánh Giác.

3. Nguyện rằng nếu có một vị thuộc hàng Thanh Văn ở mười phương ba đời, trong tận cùng hư không, biến khắp Pháp Giới, mà chưa thành Phật thì tôi thề không thủ Chánh Giác.

4. Nguyện rằng nếu có một vị thuộc hàng Trời, Người ở trong Tam Giới, mà chưa thành Phật thì tôi thề không thủ Chánh Giác.

5. Nguyện rằng nếu có một Người ở trong mười phương thế giới mà chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh Giác.

6. Nguyện rằng nếu có một vị Trời, Người, A-tu-la chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh Giác.

7. Nguyện rằng trong thế giới loài Súc Sinh, nếu còn một loài nào chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh Giác.

8. Nguyện rằng trong thế giới loài Ngạ Quỷ, nếu còn một kẻ chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh Giác.

9. Nguyện rằng trong thế giới loài Ðịa Ngục, nếu còn một kẻ chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh Giác.

10. Nguyện rằng trong Tam Giới, nếu những kẻ từng quy y với tôi, hoặc là Trời, Người, A-tu-la, các loài bay, lặn, động vật, thực vật, linh giới, rồng, súc sinh, quỷ, thần, mà chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh Giác.

11. Nguyện rằng tất cả những phước lạc mà tôi đáng được hưởng đều hồi hướng phổ thí cho tất cả chúng sinh trong Pháp Giới.

12. Nguyện rằng một mình tôi nhận chịu hết tất cả khổ nạn của chúng sinh trong Pháp Giới.

13. Nguyện rằng tôi sẽ phân linh vô số, phổ nhập tâm chúng sinh nào không tin Phật Pháp, làm cho họ bỏ ác, hướng thiện, hối quá sửa mình, quy y Tam Bảo, rồi cuối cùng thành Phật.

14. Nguyện rằng tất cả chúng sinh nào, khi thấy mặt tôi, cho đến chỉ nghe tên tôi, đều phát tâm Bồ Ðề, mau đắc thành Phật Ðạo.

15. Nguyện rằng luôn tôn kính điều Phật dạy, và thực hành mỗi ngày ăn một bữa.

16. Nguyện giác ngộ loài hữu tình, khắp nhiếp thọ các loài căn cơ.

17. Nguyện trong đời nầy tôi sẽ đắc Ngũ Nhãn, Lục Thông, và phi hành tự tại.

18. Nguyện tất cả mọi cầu nguyện đều hoạch đắc mãn túc.

Cuối cùng:

"Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ.
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học.
Phật Ðạo vô thượng thệ nguyện thành."


admin đăng vào lúc 1:36 PM, ngày 04-11-2014.


Tám Quy Luật
của Viện Phiên Dịch Kinh Ðiển


1. Người dịch phải tự thoát mình ra khỏi động cơ truy tìm danh lợi.

2. Người dịch phải tu dưỡng thân tâm, dứt bỏ thói cao ngạo.

3. Người dịch phải tự chế, không được tự khen ngợi mình, chê bai người khác.

4. Người dịch không được tự cho mình là tiêu chuẩn, là thước đo, rồi hạ thấp người khác bằng cách tìm lỗi nơi tác phẩm của họ.

5. Người dịch phải lấy tâm Phật làm tâm mình.

6. Người dịch phải dùng Trạch Pháp Nhãn để phán xét đâu là chân lý.

7. Người dịch phải cung kính cầu thỉnh Cao Tăng Đại Đức mười phương chứng minh cho bản dịch.

8. Người dịch phải hoan hỷ truyền bá giáo nghĩa Phật học bằng cách in Kinh, Luật, Luận khi việc phiên dịch của mình được công nhận là chính xác.


Hòa Thượng Tuyên Hóa


admin đăng vào lúc 1:36 PM, ngày 04-11-2014.

Search: