Welcome Khách

thuvien.ucoz.com

[ Truyện mới · RSS ]
Thư viện online » Phòng đọc trực tuyến » Truyện ngắn » Tâm hồn cao thượng (nhiều tác giả)
Tâm hồn cao thượng

MỤC LỤC

1. LỜI GIỚI THIỆU
2. CHẮT LỌC GIỮA ĐỜI
3. CHÚNG TA LÀ ĐÀN ÔNG
4. CHIM MỒI NGÀY ẤY
5. MỘT QUYẾT ĐỊNH DANH DỰ
6. CHIẾN DỊCH SS10
7. CÂY MẬN TRƯỚC SÂN NHÀ
8. BỌN TRẺ XÓM CỐNG
9. NƠI CÓ CHỖ MẸ NẰM
10. CON “QUỈ” GÙ
11. LÀM CÔNG QUẢ
12. DƯỚI GIÀN HOA GIẤY
13. BÀ CỌP
14. MỘT ĐỨA CON, HAI NGƯỜI CHA
15. CHỨA CHAN TÌNH MẸ
16. NHẬT KÝ VỀ MẸ
17. HẬU SỰ
18. NGƯỜI BÁN TUỔI THƠ
19. BỐN NĂM CÕNG BẠN ĐI HỌC
20.
CÂY VIẾT MÁY
21. CHỈ ĐƠN GIẢN LÀ…
22. CON HEO ĐẤT
23. ANH VÀ EM… & TÌNH YÊU
24. CÓ MỘT CÁN BỘ ĐOÀN NHƯ THẾ
25. THẦY HAI LIỆU
26. BÁC NĂM
27. NGƯỜI Ở TRƯỜNG
28. CÁI TÂM CỦA NGƯỜI ĐÁNH CÁ
29. BẾN ĐỖ
30. CHUYỆN CỦA BA NGƯỜI
31. KHÔNG CHỈ SỐNG VÌ MÌNH
32. TIẾNG RAO ĐÊM


admin đăng vào lúc 5:26 PM, ngày 16-03-2014.


CON HEO ĐẤT
Diệu Thuý


Cha Thanh hy sinh năm Thanh mới lên ba. Mẹ Thanh - lúc ấy đang công tác tại một trạm quân y, nhất định ở vậy nuôi con, từ chối mọi lời dạm hỏi, cầu thân của nhiều người. Sau giải phóng, mẹ con Thanh về thành, mẹ chuyển sang công tác ở một cơ quan đoàn thể. Những năm ấy cuộc sống vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Với đồng lương ít ỏi, mẹ con Thanh sống hết sức đạm bạc.

Như để bù lại cho Thanh, mẹ hết mực yêu thương, chìu chuộng Thanh, cố gắng lấp đầy cái cảm giác thiếu thốn, trống vắng hình ảnh người cha trong lòng Thanh. Và lâu lâu, những người bạn chiến đấu cũ của ba mẹ Thanh lại ghé thăm. Các cô chú ấy ai cũng yêu thương Thanh. Trong mấy ngày ngắn ngủi lưu lại nhà Thanh, họ đã đưa Thanh đi chơi khắp nơi, mua sắm cho Thanh khi thì bộ quần áo, khi cái cặp sách, khi đôi dép da nho nhỏ xinh xinh… Trong số các cô chú ấy, Thanh quí nhất là chú Thông.

Chú Thông còn trẻ lắm, có đôi mắt đen láy và cái miệng hay cười rất tươi. Chú có dáng đi hơi khập khểnh do một vết thương ở chân trái. Mẹ Thanh nói chú và ba thân nhau như anh em ruột thịt. Chú kể quê chú xa lắm, ở tận miền Bắc, một làng quê thanh bình có cây đa cổ thụ che bóng rợp cả một khoảng đường, có mái đình vang vang tiếng trống chèo vào mùa lễ hội. Những câu chuyện cổ tích mà Thanh đã đọc muốn thuộc lòng, thế mà qua cách kể của chú Thông, vụt trở nên mới mẽ, hấp dẫn lạ thường. Có lúc cao hứng chú còn đọc cho Thanh nghe những bài thơ chú tự sáng tác. Nửa tháng ở nhà Thanh, chú còn cặm cụi trèo lên mái nhà sửa lại những chỗ bị dột, đóng cho Thanh cái bàn học xinh xắn, cắt những hình ngộ nghĩnh bằng giấy màu dán lên tường. Có chú, căn nhà vui hẳn lên. Thế rồi, cũng đến ngày chú về quê. Thanh khóc hết nước mắt, mẹ phải dỗ dành mãi, Thanh mới nguôi ngoai.

Chú Thông đi rồi, sau một thời gian hụt hẫng, cuộc sống của mẹ con Thanh lại êm đềm trôi qua. Cho đến một ngày, trên báo Phụ Nữ xuất hiện một truyện ngắn để tên và địa chỉ của mẹ… Rồi sau đó, trên một số báo khác thỉnh thoảng lại có bài mang tên mẹ. Mỗi lúc nhận giấy báo nhuận bút, mẹ con Thanh vừa ngạc nhiên, vừa hồi hộp, cứ thi nhau đoán xem ai là tác giả của những bài báo ấy. Thanh nhất định cho là chú Thông, mẹ bảo : -Chú Thông ở xa lắm, với lại lâu rồi chú đâu có liên lạc với mẹ con mình.

Mẹ con Thanh bàn nhau viết thư cho toà soạn để hỏi thăm, giải thích rằng có sự lầm lẫn nhưng không được hồi âm. Và thế là cứ tháng tháng, mẹ lại ra bưu điện nhận nhuận bút vài lần. Mẹ mua một con heo đất lớn, mỗi lúc nhuận bút về, mẹ lại bỏ những tờ bạc vào bùng binh trước con mắt ngạc nhiên của Thanh. Mẹ bảo : - Mẹ con mình lâu nay đã túng thiếu quen rồi, thêm ít tiền chưa chắc đã sướng hơn mà lương tâm mình không thanh thản, biết đây là tiền mồ hôi công sức của ai. Mình cứ cất vào đây, có ai cần hơn thì mình giúp.

Sáu năm trôi qua, cuộc sống đã có bao thay đổi. Mẹ Thanh đã giữ cương vị trưởng phòng thương binh - xã hội, Thanh đã lên cấp III v2 là học sinh lớp chuyên văn. Niềm say mê văn học ngày nào chú Thông truyền cho cô đã bắt đầu đơm hoa kết trái : Thanh đã đoạt giải ba môn văn trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Thỉnh thoảng, Thanh lại gửi những bài thơ, những truyện ngắn của mình cho các toà soạn báo. Và khi nhận nhuận bút, Thanh lại trích một phần bỏ vào con heo đất. Những lúc ấy Thanh nhớ chú Thông lắm. Thanh tự hỏi không biết chú có trở thành một thầy giáo dạy van thật giỏi như chú hằng mơ ước không ?

Thế rồi, một buổi trưa, một người bạn của mẹ Thanh đến nhà báo tin chú Thông đang nằm cấp cứu ở bệnh viện trung tâm. Mẹ con Thanh bàng hoàng, vội vã vào bệnh viện ngay. Chú Thông đang nằm trong phòng mổ, bên ngoài là vợ chú - một phụ nữ dân tộc có gương mặt dịu hiền và dáng người mảnh dẻ, nước da xanh xao. Trên tay cô là một đứa bé chừng hai tuổi, có đôi mắt đen lay láy giống chú. Hỏi chuyện vợ chú, mẹ con Thanh mới biết : trong mấy năm qua, chú Thông lưu lạc lên tận một tỉnh miền núi, làm văn hoá - thông tin. Hai năm nay, do mất sức vì vết thương cũ, chú nghỉ việc ở nhà chăm nom vườn tược.

Trước lúc vào viện sáng hôm sau, mẹ Thanh nhắc con heo đất trên kệ xuống, lau chùi thật sạch…rồi gói nó vào một vuông vải rất đẹp, bỏ vào giỏ sách. Sau hơn một ngày hôn mê, chú Thông vừa mới tỉnh dậy. Mẹ Thanh mở giỏ sách lấy con heo đất bọc trong vuông vải ra và nói :

Những năm mẹ con tôi sống rất chật vật khó khăn, tháng tháng có một người tốt bụng đã lặng lẽ giúp đỡ bằng cách gởi đăng những bài báo lấy tên tôi. Mẹ con tôi đã cố sức tìm hiểu nhưng không thể biết được tung tích người đó.

Mẹ con tôi đoán chắc người đó là một đồng đội của ba cháu Thanh. Thú thật, những đồng tiền đó mẹ con tôi không dám xài đến. Nhưng nhờ có nó, tôi đã có thêm nghị lực, thêm niềm tin để phấn đấu…. Bây giờ chị gửi cho em cái bùng binh này, trong đó là toàn bộ số tiền nhuận bút những bài bào đề tên chị mấy năm qua, có cả nhuận bút của con Thanh nữa đấy. Nó đang tập tành viết văn, làm thơ bắt chước chú Thông nó…

Sợ chú Thông không đồng ý, Thanh vội năn nỉ :

-Chú đừng từ chối nha…

Thật bất ngờ, từ đôi mắt chú Thông một dòng nước mắt từ từ ứa ra….
Cho đến một ngày xuất viện về lại quê hương, mẹ con Thanh và chú Thông không hề đả động gì đến những bài báo ấy. Thanh mua một con heo đất mới, bắt đầu nuôi nó bằng tiền nhuận bút của mình. Một hôm, có người khách đến từ Đaklak mang cho Thanh một gói quà của chú Thông…Thanh và mẹ hồi hộp mở ra….ồ….vuông vải quen thuộc bọc lấy con heo đất ngày nọ…Dưới đáy hộp là một cuốn sổ nhỏ và bức thư của chú Thông. Thư có đoạn :

“Từ lúc gặp lại chị và cháu Thanh, nhận con heo đất nghĩa tình của chị và cháu, em suy nghĩ rất nhiều. Em nghĩ tới những ước mơ ngày xưa của mình mà bao lâu nay cơm áo gạo tiền đã che lấp đi…vậy mà bé Thanh vẫn nhớ…Em bắt đầu cầm bút, bắt đầu tập tành theo bé Thanh làm thơ, viết văn…

Trong con heo đất này là tiền nhuận bút của chính em đấy. Em gửi cho chị và bé Thanh để hai mẹ con tiếp tục giúp đỡ người khác. Coi như em gửi lòng cảm ơn nghĩa tình của chị và cháu và của người nào đó đã âm thầm giúp chị ngày xưa - mà chị và bé Thanh cứ ngỡ là em…”


admin đăng vào lúc 3:55 PM, ngày 04-11-2014.


ANH VÀ EM… & TÌNH YÊU
Cao Kim


Làm vợ thương binh nặng đã khó, tạo dựng gia đình hạnh phúc càng khó hơn. Đó là con đường phải vượt qua nhiều ngáng trở, từ gia đình, bạn bè và chính bản thân mình. Và trên hết phải có tâm hồn cao thượng.

Chị Bùi Thị Hai tâm sự : “Trước đây, mỗi lần đến Quân Y Viện 17 thăm anh Được, em lang thang qua nhiều phố, thấy người ta cặp đôi đi bên nhau mà mình buồn quá, vừa đi vừa khóc”. Thế mà bây giờ chị đã có hai con với anh Được, ở trong ngôi nhà cấp bốn, làm nên từ tiền để dành của chị và sự hỗ trợ của nhà nước. Còn Nguyễn Thành Được - người lính cùng trung đoàn 143 với tôi - trở thành cán bộ Hội Người Mù thị xã Tam Kỳ. Hằng ngày, anh vận động những người đồng tật vào tổ chức và tạo việc làm cho họ.

Tôi gợi chuyện : “ Lúc đó Hai có nghĩ gì không?”. - Có chứ anh. Cha mẹ nhất quyết không cho em đến với ảnh. Ông bà nói : “Bộ hết người răng mi đi lấy anh mù?” Điều đó không cản được em. Thời gian sau, ông bà có vẻ hết giận. Nhưng bạn bè lại bảo : “Mi cao thượng nhưng…”. Bạn không nói ra, nhưng em biết bạn…sợ thay em”.

Người ta bảo tình yêu dễ mù quáng. Nhưng tôi tin Hai không mù quáng đến mức không thấy viễn cảnh của hai người. Hai nói tiếp : “Em biết chứ anh, nhưng em sẽ thương yêu ảnh hết mực”. Thì ra trong tình yêu có biết bao nhiêu cung bậc. Và giả sử tình yêu có thang bậc, chắc Hai ở nấc thang trên cùng - tôi nghĩ thế.

Tốt nghiệp trường trung cấp y tế tỉnh, chị Hương về công tác tại Khu Điều Dưỡng Thương Binh nặng Hội An. Ở đây, chị nhận ra ngay khoảng trống của thương binh nặng - cái khoảng trống ấy tạo ra những cơn giận dữ, những việc làm vô cớ phiền đến người khác. Chỉ vì chưa xuân đã tàn. Chỉ vì chưa thoả chí trai đã phải nhờ người khác từ việc nhỏ đến việc lớn, sống mà như không sống. Còn gì buồn hơn! Tức ấy thôi nên cái tức rất dễ thương. Hương hiểu và đến với anh Nhị - một thanh niên mang vết thương chằng chịt trên người và là một thương binh thường quậy dữ. Quả thật, nếu Hương không chịu hiểu, làm sao…dũng cảm đến vậy! Người chưa hiểu thì sợ, còn chị thì…thương. Ôi, tâm hồn và sự can đảm của người phụ nữ!

Hương tâm sự, bạn bè em bảo : “Mi yêu thương binh nặng là quá rồi, lại yêu một thương binh quậy cỡ ấy, tao hết biết”. Em chỉ cười trừ. Hương nói xong là cười. Nghe Hương nói, tôi 45 tuổi đời - mới cảm nhận thêm trong tình yêu không cần ai hiểu. Chỉ hai người hiểu nhau là đủ, mặc dư luận xôn xao bàn tán. Nhưng chính Nhị lại từ chối tình yêu của Hương, với cái lý rất…đàn ông : “Yêu anh, em sẽ khổ”. “ Em sẽ vượt qua”. “Khó lắm”. “ Khó mấy em cũng chịu được”. Thế là dù người con trai có “cứng” đến đâu cũng mềm lòng trước tình yêu cao thượng ấy. Và bây giờ, gia đình bốn người ấy rất hạnh phúc, khá giả, nhờ vào nghề y của Hương, nhờ vào sự êm ấm trong nhà.

Tôi đoán khi mới yêu nhau, các chị chưa hình dung hết khó khăn của một gia đình có người tàn tật. Và nếu có hình dung, cũng chỉ đặt quyết tâm vượt qua. Khi có con cái, gia đình khuyết tật ấy cũng sinh lắm chuyện… Trong lần hội thảo. “Vợ thương binh nặng” do Sở Lao Động - thương binh và xã hội tỉnh AN-ĐN (cũ) tổ chức, chị Hương nói : “Chúng em dồn sức cho cái gia đình nhỏ bé ấy, chăm sóc anh Nhị. Năm tháng đi qua, cũng có những trục trặc. Anh Nhị ưa tranh cãi, nên sinh bực. Mà đã bực thì anh trút vào rượu, sức yếu nhanh lại đi viện. Những lúc như thế, nào chuyện nhà, chuyện cơ quan, chuyện chăm sóc anh ấy ở bệnh viện, mệt hết thở, tưởng khó vượt qua”. Vừa nói chị vừa khóc. Khóc xong chị lại cười, cười vì đem chuyện gia đình ra kể…

Những chị em trong phòng cũng rưng rưng. Mỗi người có những cái khó riêng. Chị Trần thị Hương ở Duy Nghĩa lại khác : Chồng chị, anh Nguyễn Văn Sáu, cụt hai chân, ra vào trên chiếc xe lăn. Một mình chị lội đồng, lội ruộng, lo chống hạn, chống úng, sửa lại chuồng heo, lo chế độ cho con đi học, lo cư xử với nội ngoại, lo khi anh Sáu ra Đà Nẵng điều trị vết thương tái phát… Và chị y tá trong quân đội ngày nào, giờ gồng mình làm mọi việc của đàn ông, che chắn cho gia đình năm con người ấy. Và, cảm thông với vợ, anh Sáu cũng ra đồng bằng cách…vợ cõng. Giờ gia đình anh có của dư của để nhờ vào đại lý bán phân bón, nhòo vào sự tảo tần của chị Hương và sự rèn luyện để thích nghi của anh Sáu… Gia đình ấy, bà con Duy Nghĩa ai cũng khen. Chị tâm sự : “Gia đình em hạnh phúc, con cái nghe lời bố mẹ, học giỏi. Em vui, anh Sáu cũng nể em, nhường quyền làm chồng cho em. Cực như chị Hương mà trong cách nói nghe cứ nhẹ tênh như thế, cũng là chuyện chỉ có ở chị em là vợ thương binh nặng.

Trong lần về Thăng Bình, tình cờ tôi gặp một số anh em thương binh nặng, cụt hai chân, đến phòng thương binh xã hội huyện nhận xe lăn. Có một phụ nữ tất tả đi vào hỏi : “Xe em đâu?” Thấy mọi người cười, chị đỏ mặt. Anh Nhâm (cán bộ phòng) vừa cười vừa làm nghiêm : “Mi cụt đâu mà đòi xe?”. Chị lại thẹn nhưng tôi cảm nhận được - qua cách nói của chị - là vợ chồng này đã thống nhất trong một người - người vợ, mọi việc của chồng là của mình, mới thấy toát lên sự che chắn hoàn toàn, sự thương yêu hết mực…
Khó có thể kể hết những điều mà mắt thấy tai nghe, trên những nẻo đường tôi đi tìm tư liệu, tìm vốn cho những trang viết của mình…

Và bây giờ mời bạn đọc hãy cùng lắng nghe một người trong cuộc nói về vợ của mình :

Nếu có thể đi theo em trên mọi nẻo đường
Nếu anh là đôi dép dưới chân
Anh sẽ rõ :
Em đã đi bao cây số
Và dãi dầu, và sóng gió…Em qua
Căn phòng sáng lên khi em bước vào nhà…
Em trở thành đàn ông, trở thành bảo mẫu
Trở thành chỗ dựa đời con, đời anh.


admin đăng vào lúc 4:01 PM, ngày 04-11-2014.


CÓ MỘT CÁN BỘ ĐOÀN NHƯ THẾ
Ngọc Điểm


Tôi quen T.U. trong đợt huấn luyện cán bộ đoàn các trường đại học, ở trường Đoàn Lý Tự Trọng. Tôi chú ý đến T.U. nhiều vì có một lần, trong khoá học, chúng tôi dạo chơi trong sân trường. T.U. nhìn thấy cây viết máy của ai đánh rơi trên cỏ, bèn nhặt lên cho vào túi. Tôi cũng chẳng lấy làm lạ nếu T.U. lấy làm của riêng, nhưng bạn đã kéo tôi về phía văn phòng ban giám hiệu và nhờ thông báo trả lại viết cho người đánh rơi.

Khoá huấn luyện kết thúc, chúng tôi ai về trường nấy, mỗi đứa lại bị cuốn vào việc học tập và công tác Đoàn nên có lẽ chẳng ai nhớ ai.

Rồi bỗng nhiên một hôm, trên đường đi học về, tôi gặp T.U. người đẫm ướt mồ hôi vì đạp xe giữa trưa nắng với đoạn đường khá xa. T.U. thật thà kể vắn tắt về khó khăn đang gặp và nhờ tôi giúp đỡ. Tôi đã giúp T.U. với mọi khả năng có được. Xong việc, T.U. cảm ơn tôi và nói sẽ thỉnh thoảng đến thăm tôi. Tôi xem đó như những lời xã giao và nghĩ T.U. sẽ không đến. Nhưng, chỉ một tuần sau T.U. đến thăm tôi và từ đó cứ mỗi thứ bảy lại đến đón tôi từ ký túc xá về nhà T.U. chơi (nhà T.U. ở thành phố còn nhà tôi ở tỉnh). Từ đó, chúng tôi càng thân với nhau. Và tôi có dịp hiểu thêm về bạn. Có những điều đáng lẽ có thể nói dối để tránh rắc rối mà lại vô hại thì T.U. vẫn cứ nói thật. Tôi thắc mắc : “Từ nhỏ đến giờ mình không quen nói dối”.

Có lần vào hiệu sách, tôi chọn mua rất nhiều sách, đến khi tính tiền cô bán hàng tính số tiền ít hơn so với giá bìa, tôi cảm thấy hơi thắc mắc nhưng thầm nghĩ : “Ồ, có lộn mấy ngàn cũng chẳng nhằm gì, mấy người này lời biết bao nhiêu rồi, mặc kệ”. Tôi trả tiền, chợt T.U. níu tay tôi lại, nói : Có lẽ tính nhầm rồi, sao ít tiền thế, hỏi cô ta xem? Tôi khựng lại và hỏi :

“Cô ơi, cô có tính nhầm tiền không, sao ít thế? Cô bán sách trả lời :

“Đúng rồi, bởi vì giá sách giảm 10% so với giá bìa”.

Trước đây, mọi phần thưởng, ưu tiên cho cán bộ Đoàn tôi không hề từ chối vì xem đó là hợp lý, nhưng thật bất ngờ khi tôi được biết T.U. đã vài lần từ chối những danh hiệu trong đợt bình bầu của trường và từ chối không cho nêu tên trên mặt báo trong lần đại hội Đoàn cấp thành phố. T.U. lý luận : Phải chi mình học được xuất sắc thì danh hiệu hoặc vinh dự đó mình sẽ nhận. Nhưng đáng tiếc mình chưa được như vậy, mình chỉ là người làm tốt công tác Đoàn và công tác xã hội. Mà đã làm những việc đó thì đâu cần mọi người biết công, mình tự nguyện đem đến niềm vui cho người khác là tạo niềm vui, sự thanh thản chó chính mình rồi, đó là phần thưởng xứng đáng cho mình rồi. T.U. vốn không ưa mùi xe, cứ ngồi lên xe là lại ói liên tục. Vậy mà, hễ có đợt công tác xã hội nào T.U. cũng có mặt cùng các bạn, dù nhiều phen lội bộ, nhịn đói, nhịn khát, ăn bánh mì lạt…mà không hề tơ hào đến một đồng quyên góp được để cứu trợ dân nghèo.
Tính mắc cỡ, nhút nhát thế mà T.U. dám đến từng cơ quan, đến đứng trước chỗ đông người để cổ động. T.U. nói : Lúc đó, mình chỉ nghĩ đến những người cùng khổ đang mong đợi mình mà thôi.

Lần khác, trên đường từ nhà T.U. trở về ký túc xá, T.U. được biết tôi hết tiền nhưng ở nhà chưa gửi lên kịp. Đang chạy xe, T.U. bỗng quay đầu trở lại vờ bảo quên đồ ở nhà, vội vàng vào nhà rồi trở ra. T.U. chở tôi đến tiệm vàng, tôi mới hiểu ra. Hai đứa đôi co trước cửa tiệm, cuối cùng, T.U. ấn chiếc nhẫn vào tay tôi dặn rằng khi cần thì phải bán liền. Tôi xúc động thật nhiều về việc ấy.

Tôi biết khi đọc được chuyện này, T.U. sẽ cho tôi là quá đề cao bạn. Nhưng đây là tất cả những chuyện thật 100% về T.U. mà từ trước đến giờ tôi chưa có dịp nói ra. Dù T.U. muốn hay không tôi vẫn cứ muốn tặng bạn bài viết này để thay tôi nói lời cảm ơn T.U. - người bạn tuyệt vời của tôi.


admin đăng vào lúc 4:02 PM, ngày 04-11-2014.


THẦY HAI LIỆU
Trần Tú


Kính tặng bác sĩ Nguyễn Minh Triết
(Lúc ở tù Côn Đảo, BS Triết đã nếm mủ để chữa bệnh đen chân cho các tù nhân)


Thầy Hai Liệu bóp trán suy nghĩ… Trong đời làm thầy thuốc nam, thầy chưa gặp ca bệnh nào hiểm ngặt thế này - Hiểm ngặt, không phải thầy không đủ khả năng cứu sống được đứa bé bốn tuổi đã kiệt sức mà do tuổi tác thầy đã cao lại mới trải qua một cơn bệnh nặng, sức khoẻ thầy còn yếu.

Bỗng một mùi hôi thối nồng nặc xông lên cùng với tiếng khóc tru tréo của người mẹ đứa bé :
-Thầy ơi! Cứu con tôi với thầy ơi! Nó lại vừa mới phẩn ra toàn mủ và máu…!

Thầy Hai Liệu mở bừng mắt, liền xé một tờ giấy súc bảo cô gái, người chị của đứa bé lấy một chiếc que tre sạch dồn hết chỗ phẩn vào tờ giấy để đó lát nữa có thể thầy sẽ cần đến. Đoạn thầy vẫy tay gọi người cha của đứa bé đến gần, hỏi :

-Con ông đi tiêu chảy đã bao lâu ?

-Dạ! Đã hơn một tháng.

Thầy Hai Liệu nhăn mặt :

-Bệnh nặng, tại sao ông không cho nó đi bệnh viện?

-Dạ cứ chạy chữa hoảng loạn cả lên chẳng còn có thì giờ nghĩ đến đi bệnh viện. Dạ, vả lại, nhà ở giữa rừng đi đến bệnh viện quá xa e nó chết dọc đường.

-Thế tại sao ông lại đem nó đến cho tôi?

-Dạ, tôi nghe người ta đồn thầy có môn thuốc bí truyền đã cứu sống được nhiều đứa bé như con tôi…

Thầy Hai Liệu hơi xao xuyến, nhưng bình thản :

Đúng - ông nghe người ta nói đúng - Quả thật tôi có môn thuốc bí truyền do mẹ tôi truyền lại cho tôi. Nhưng ngay lúc này áp dụng môn thuốc đó đối với tuổi tác và sức khoẻ của tôi thì thật là khó…

Người cha của đứa bé bối rối gãi đầu :

-Khó như thế nào, thưa thầy?

-Khó là phải nếm phẩn - cũng giống như ở bệnh viện người ta phải thử phẩn, làm kháng sinh đồ, còn ở đây người thầy thuốc nam phải nếm phẩn - Có nếm phẩn mới ứng dụng được các loại cây, cỏ chữa trị đặc hiệu. Tất cả cái tôi vừa nói được gọi là “bí truyền” mà người đời đã nói với ông về tôi. Nhưng mẹ tôi có căn dặn tôi rằng lúc tuổi đã về già sức khoẻ yếu thì không được nếm phẩn. Bởi vì nếu gặp phải phẩn nhiễm khuẩn nặng thì người nếm bị lây bệnh và sẽ dễ bị tử vong!

Bỗng thầy Hai Liệu cất tiếng hỏi lớn - Vậy có ai trong gia đình bệnh nhân tình nguyện nếm phẩn ?

Dạ có! - Cả ba người : cha, mẹ và chị của đứa trẻ nhất loạt trả lời.

Thầy Hai Liệu khen ngợi :

-Rất đáng khâm phục! Nhưng tôi chỉ hỏi thử vậy thôi. Bởi vì mẹ tôi có dặn thêm rằng thân nhân của bệnh nhân không được nếm phẩn vì sự xúc động của người thân sẽ làm sai lạc mùi vị phẩn, làm cho việc chữa trị không đạt hiệu quả…

Nghe thầy Hai Liệu dẫn giải dài dòng, người cha của đứa bé lòng nóng như lửa đốt, giận dữ hỏi thẳng một câu tỏ ra rất thiếu lễ độ :

-Vậy ai nếm phẩn cho con tôi xin thầy nói ngay tên người đó để tôi thuê mướn.
Thầy Hai Liệu điềm tỉnh chỉ tay vào mình :

-Trong trường hợp khẩn cấp này không ai ngoài tôi phải nếm phẩn cho đứa bé!
Rồi thầy dõng dạc ra lệnh :

-Nào, hãy đem gói phẩn tới đây và tất cả hãy quay mặt vào phải!

Đợi thầy Hai Liệu nếm phẩn xong với tay lấy ly nước súc miệng mọi người mới dám quay lại, lo lắng hỏi :

-Phẩn nó nhiễm nặng hay nhiễm nhẹ, thưa thầy ?

Thầy Hai Liệu bàng hoàng, nhưng cười :

-Nặng hay nhẹ không cần hỏi, chỉ cần biết đứa bé sẽ được sống!


admin đăng vào lúc 1:29 PM, ngày 05-11-2014.


BÁC NĂM
Nguyễn Bá Quỳnh Anh


Tôi gặp bác lần đầu tiên khi bác từ Sài Gòn dọn nhà ra Đà Nẵng, đến khu phố tôi ở. Bác trai là lính. Còn bác ở nhà nội trợ, chăm chút cho ba cậu con trai có độ tuổi sàn sàn với ba chị em gái chúng tôi.

Tôi còn nhớ rõ sáng hôm ấy, khi thấy một con bé năm tuổi là tôi, đứng thập thò ngoài cửa, tò mò ghé mặt vào căn nhà đang ngổn ngang bàn ghế, giường tủ, bác mỉm cười, vẫy tay : “Vào đây chơi đi cưng”. Yên tâm vì cái giọng rặt Nam bộ nghe rất hiền của bác, tôi rón rén bước qua khung cửa. Bác xoa đầu, nhẹ nhàng hỏi chuyện và cho tôi mấy cây kẹo. Tôi sung sướng chạy về nhà khoe vì chuyện được mấy cây kẹo thì ít, mà vì được làm quen với một người hàng xóm mới thì nhiều. Biết tôi học ngang lớp với Nhân, đứa con trai đầu của bác, bác bảo tôi ôm tập qua nhà để bác kèm học với con bác cho có bạn. Cũng từ hôm đó, tôi gần như là một thành viên của gia đình bác. Hai bác trở thành bạn thân của ba má tôi, ba đứa con trai của bác trở thành bạn thân của ba chị em gái chúng tôi. Trong cuộc chơi nào, mỗi lần thấy chúng tôi phụng phịu là bác lại giở giọng đe nẹt bầy con : “Má nói không đứa nào được ăn hiếp em đó nghen”. Những lúc như vậy, tôi lại nghếch mặt, chun mũi, cười hả hê khi thấy ba cậu quý tử của bác tiu nghỉu như mèo cụt đuôi.

Nhờ bác kềm cặp, những phép tính đầu tiên của tôi luôn được điểm 9, điểm 10. Duy chỉ có mỗi môn tập viết tôi luôn bị điểm kém vì chữ xấu. Bác cứ kiên nhẫn rèn cho tôi mãi, đến một hôm, giở vở ra xem, thấy tôi được điểm 7 khi viết chữ E hoa, bác hôn lấy hôn để lên má tôi. Bác cầm vở chạy qua khoe với ba má tôi và xin phép cho tôi được đi xem phim vào chủ nhật để thưởng cho sự tiến bộ “vượt bậc” của tôi.

Bác rất nhạy cảm. Hôm được tin em gái của chị giúp việc nhà tôi vừa mới mất, chị phải về lo tang cho em, bác nghẹn ngào, nước mắt giàn giụa trên mặt. Những ngày sau đó, bác lại tất tả giúp má tôi chuyện chợ búa, cơm nước vì má tôi vừa phải đi dạy vừa phải lo cho con nhỏ.

Những ngày mùa đông dài lê thê bởi những cơn mưa tầm tả, tôi ngồi bó gối trên giường nghe bác kể chuyện 24 tấm gương hiếu thảo của người xưa: chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ, chuyện về những cô cậu bé trong tác phẩm “Tâm hồn cao thượng”… Những câu chuyện đó cứ dần dần thấm sâu vào tâm khảm của tôi kể từ đó, tôi cứ ao ước rằng tôi sẽ là người tốt như những nhân vật trong câu chuyện của bác.

Thời chiến tranh, cũng như những gia đình lính khác, gia đình bác rồi cũng phiêu dạt khắp nơi. Một thời gian bặt tin bác. Sau đó, tôi nghe nói bác làm rẫy ở Phan Thiết. Tôi ước ao được gặp lại bác. Rồi ao ước cũng được thoả lòng. Sau đó, bác viết thư về cho tôi rằng : “…Bác định bụng khi gặp con sẽ ôm hôn con như ngày xưa, nhưng bác hơi ngỡ ngàng vì thấy con lớn quá…” Có lẽ bác mong tôi cứ mãi mãi như ngày xưa, nhỏ bé như hình ảnh con bé mà có lần bác chân thấp chân cao ôm nó chạy đi cấp cứu khi ba má nó vắng nhà.

Thuở nhỏ, trong trí óc non nớt của tôi, bác là một người hiểu biết, học cao. Bây giờ khôn lớn, qua lời má tôi kể lại, bác chỉ mới học đến lớp 5. Tuổi thơ của bác là cả một quãng dài cơ cực. Mồ côi mẹ, ở với dì ghẻ, bị hành hạ, hằng ngày phải hốt phân heo đến độ bây giờ, mười ngón tay của bác cứ bị co quắp. Nghe má tôi kể mà lòng tôi rưng rưng. Bác thương tôi vì lẽ gì ? Vì bác không có con gái, hay vì tuổi thơ của bác quá ảm đạm ? Với những điều tốt đẹp mà mọi người nói về bác, trong đó có những lời đầy ắp trìu mến thương yêu của mẹ chồng và con dâu dành cho bác, bác Năm của tôi có phải là một người cao thượng. Đối với tôi, bác Năm quá đỗi bình dị. Nhưng những gì bác để lại trong lòng tôi đã ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách của tôi sau này. Để trở thành một người tốt, tôi chưa dám mơ đến điều đó, song để không phải là một con người xấu, thì tôi tin, tôi đã đạt được. Chính là nhờ từ những hạt giống nhân ái mà bác Năm đã gieo trong tâm hồn của tôi thuở còn bé bỏng.


admin đăng vào lúc 1:34 PM, ngày 05-11-2014.


NGƯỜI Ở TRƯỜNG
Lưu Thị Lương


Ở trường tôi, hằng tháng các môn chính yếu như văn, toán, lý, hoá, tiếng Anh, học sinh phải làm bài kiểm tra bằng hình thức tập trung. Nghĩa là một phòng 25 thí sinh, xếp tên theo thứ tự ABC, đánh số ký danh thay đổi từng buổi, giấy thi ghi mật mã và cắt phách. Hoàn toàn như một đợt kiểm tra mỗi học kỳ hay một kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh toàn quốc.

Tháng nào cũng gác thi và thi, ôn tập và chấm trả bài đúng thời hạn. Thật vất vả và căng thẳng. Nhưng rõ ràng học sinh có tỏ ra cố gắng, siêng năng học tập, vì phải luôn ở trong tình trạng làm bài một mình, bằng chính sức học của mình. Hỏi bài của bạn, trao đổi bài làm hay giấu lén chép tài liệu đều bị lập biên bản, hạ một bậc hạnh kiểm, bài làm bị điểm 0, bất kể bài làm đúng, sai, dài, ngắn.

Đồng thời, để tập cho học sinh có tác phong nghiêm túc, mỗi lần vào phòng kiểm tra các em phải xuất trình phiếu báo danh có dán hình, đóng dấu, ký tên. Lỡ quên, phải về nhà lấy. Xa gần cũng mặc. Bằng mọi cách phải có tờ giấy đó thì mới được vào dự kiểm tra. Nếu không coi như vắng mặt, lãnh số 0 vào cột điểm.

Nhưng quên thì vẫn cứ quên.

Mỗi đợt kiểm tra, tính trung bình cứ năm phòng thì một phòng có một, hai học trò rụt rè đứng ngoài cửa mếu máo : “Thưa … em lỡ quên”. Mặc kệ. Phải nghiêm chỉnh chấp hành qui định. Thầy cô lúc ấy sao mà “ác”. Hầu như các thầy cô giáo trong trường đều có dịp trải qua tình cảnh ấy. Rồi cũng đến lượt tôi.

Hôm đó, khi đang cùng các đồng nghiệp lần lượt toả đi các phòng để làm nhiệm vụ giám thị, một người nói nhỏ với tôi : “Cho em gửi số ký danh… Dạ, học sinh lớp em. Giờ này nó mới nói là quên ở nhà. Khóc sướt mướt. Nếu chỉ có một mình nó, xin chị cho qua dùm em”. “Còn ban giám hiệu?” - “Rồi, em đã hỏi thầy hiệu phó, ổng nói được”. Tôi gật đầu, bỗng ước sao phòng tôi gác có đến hai đứa quên.

Các thủ tục gọi tên trình giấy, phá giấy làm bài, phát đề diễn ra suôn sẻ. Cô bé ấy lẳng lặng vào chỗ. Tất cả học sinh cắm cúi làm bài trong không khí yên lặng đặc biệt của phòng thi. Chỉ có tôi là không yên tâm. Chắc chắn, các em cùng lớp cô bé kia đều biết chuyện tôi đã không nghiêm túc xử lý theo qui định bấy lâu nay. Cả phòng này sẽ biết. Rồi chúng sẽ đồn đại từ lớp này qua lớp khác. Tôi sẽ vừa mất uy tín với học trò, vừa bị ban giám hiệu khiển trách.

Ánh mắt nghiêm nghị của tôi canh chừng học sinh làm bài cũng nghiêm khắc như tôi đang tự vấn lòng mình. Tại sao tôi không kiên quyết từ chối ngay khi nghe nhờ vả? Vì tôi sợ mất lòng đồng nghiệp. Ở đời, bánh ít đi, bánh qui lại. Rồi sẽ có lúc học trò lớp tôi bị quên. Nếu gặp, thì cô ấy cũng sẽ bỏ qua. Tôi suy nghĩ như thế nên đã nhận lời. Chỉ còn một thắc mắc : ban giám hiệu là nơi đề ra chủ trương, biện pháp ấy, tại sao lại đồng ý du di cho trường hợp này ?

Vừa lúc ấy thầy hiệu phó đi kiểm tra đến phòng tôi gác, tôi hỏi. Ông lắc đầu ngạc nhiên : “Không. Cô ấy không hỏi.”

Tôi như trút được gánh nặng khi nghe câu trả lời ấy. Mặc dù đề bài đã phát được năm phút, tôi nhất quyết buộc em nữ sinh kia về lấy phiếu báo danh, theo đúng nguyên tắc.

Những tưởng xử sự như vậy thì lương tâm được yên ổn, nào ngờ tôi càng bị nó cắn rứt, dằn vặt nhiều hơn, từ nhiều phía. Đầu tiên hình ảnh em học sinh đó sững sờ buông viết, hấp tấp lao ra cửa. Lúc trở lại, vữa lễ phép đưa tờ phiếu báo danh bằng hai tay, em vừa khóc nửc nở từng hồi như bị oan ức. Em nghĩ, người lớn sao lại có thể nuốt lời hứa trong chớp mắt như thế. Mặc kệ, tôi động viên còn nhiều thời gian làm bài, em vẫn khóc thêm một hồi lâu nữa. Và khi nộp bài, em nhờ bạn. Em sợ hay không muốn nhìn tôi? Kế đó là cô bạn đồng nghiệp kia. Thấy học trò của mình ra khỏi phòng, cô đi theo. Rồi cô kể : “Em ấy ở ngoài quê vào, nhà bà con ở tận quận 4, thầy hiệu phó phải đưa tiền, bảo em đi xe ôm cho kịp”. Giọng cô nhỏ nhẹ nhưng tôi nghe như trách móc.

Tôi đã làm đúng? Hay sai ?

Lúc đó là khoảng giữa năm học. Về sau, thỉnh thoảng tôi gặp em ở thư viện. Tôi thấy mắt em nhìn tôi như học trò nhìn các bà giáo nổi tiếng nghiêm khắc. Tôi lại chẳng yên lòng.

Một hôm, tôi quyết định nói chuyện với em. Cố lấy giọng doạ nạt để đùa cợt, tôi hỏi :

-Trả tiền thầy hiệu phó chưa?

Lập tức em cười như đã chờ câu hỏi ấy lâu lắm :

-Dạ, nộp bài xong em trả tiền.

-Đi xe ôm tốn hết bao nhiêu ?

-Dạ, không tốn tiền cô ơi.

-Chà. Có ông xe ôm nào tốt quá hả? Chắc tại thấy em khóc, người ta tội nghiệp chở làm phước?

Em bẽn lẽn :

-Dạ không phải. Có anh kia, ảnh chở dùm.

-Em ở quê, sao gan quá vậy? Em có quen anh đó không?

-Dạ, đâu có quen. Chạy ra cổng, quýnh quá, thấy ảnh đang ngồi trên xe, em kêu đại.

-Em tưởng xe ôm?

-Thưa cô, không. Em thấy đeo phù hiệu trường mình. Lớp 11A mấy em quên rồi. Hình như tên là Trọng. Người đen đen, thấp thấp, mặt có nhiều mụn.

Tôi có biết em Trọng. Năm ngoái tôi dạy lớp em. Giờ chơi, tôi tìm Trọng hỏi đúng không. Em gãi đầu cố nhớ : - Bạn đó học lớp 10A3, còn tên gì em quên mất. Bữa đó thi xong, đang uống trà đá trước cổng trường, em thấy nó nắm một nắm tiền, nhìn ngược nhìn xuôi mà khóc sướt như bị đòn. Tội lắm. Em mới kêu nó chỉ nhà, em chở.

-Em dám qua bên quận 4?

-Ban ngày mà cô. Em mặc áo học trò, họ đâu thèm để ý.

-Sau chuyện đó, chắc hai em gặp nhau thường thường ?

-Dạ, đâu có gì mà gặp tiếp nữa. Em nghĩ, chắc nó quên một lần là sợ tới già. Hết dám tái phạm.

Cô giáo kể tới đó thì kết thúc chuyện bằng một nụ cười hoan hỉ. Cô kết luận : Không ngờ học sinh của mình trong sáng, trung thực, nghĩa hiệp quá chừng. Một đứa thì hết sức tin tưởng học sinh trường mình nên nhờ vả. Một đứa thì tự nguyện giúp đỡ vì thấy tội nghiệp.

Riêng cô, khi biết tới đầu đuôi câu chuyện cũng bớt băn khoăn về việc cô đã chấp hành nghiêm túc luật lệ, nhưng tôi cứ muốn kể cho nhiều người nghe nữa. Chuyện về những con người tốt đẹp ở chốn học đường. Môi trường bình thường thầm lặng nhưng nghiêm túc và trong sáng ấy đã tạo nên những con người có tình cảm, suy nghĩ, hành động…dễ thương như thế.


admin đăng vào lúc 1:36 PM, ngày 05-11-2014.


CÁI TÂM CỦA NGƯỜI ĐÁNH CÁ
Ngô Ngọc Luyến


Khi miền quê chỉ còn lại bóng đêm, khi những ngọn đèn trong thôn Hùng Thành bắt đầu thắp sáng, là lúc ba mẹ tôi lặng lẽ xuôi thuyền ra khơi đánh cá. Nhà đông con, ba mẹ tôi phải làm lụng cực nhọc lo hai bữa ăn cho gia đình, lại còn lo chắt chiu dành dùm tiền bạc để đóng học phí cho anh em chúng tôi. Nhớ những hôm mẹ đi chợ huyện bán cá về, bà ngồi trầm ngâm đếm lại những đồng bạc lẻ sau khi đã mua đồ ăn cho gia đình và sách vở cho các con. Nhìn vẻ mặt lo âu của mẹ, tôi mới thấm thía hết nỗi nhọc nhằn của những ai phải kiếm sống bằng nghề đánh cá.

Tôi còn nhớ đêm hôm ấy, không khí lạnh như bao trùm lên toàn miền Bắc, thò tay vào nước như chạm vào những tảng băng tê tái, lạnh buốt. Thi thoảng lại có những con cá chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước vì lạnh. Ba tôi vẫn chèo thuyền ra khơi, mẹ ngồi sau bẻ lái. Khi thuyền ra gần đảo Nẹ, bất thình lình một dòng xoáy từ đâu bỗng ập tới đã làm cho chiếc thuyền nan bé nhỏ lật đỗ. Sóng vỗ làm cho ba mẹ tôi lúc nhô lên thì chìm xuống trong đêm tối giữa biển khơi.

Nghe tiếng kêu cứu, hai chiếc thuyền câu Diêm Phố đi qua đều lặng thinh. Điều đó cũng dễ hiểu : đêm hôm khuya khoắt, buốt giá như vầy cứu người chết đuối ai mà không ngại rét và nguy hiểm! Đã thế dân miền biển còn kháo nhau rằng nếu cứu người chết đuối, sẽ gặp nhiều điều xui xẻo và làm ăn không nên, và họ còn đồn đêm ở ngoài khơi hay có ma gọi, nếu ai chèo đến gần sẽ bị dìm đắm thuyền. Ngay lúc đó một chiếc thuyền đánh lưới tình cờ đi tới, chủ nhân của nó là anh Đinh Công Chính (*) - người thanh niên làng Sung chưa đầy 17 tuổi. Nghe tiếng kêu cứu, anh Chính vội vàng lấy đèn pin rọi về phía trước, rồi anh hú lên một tiếng thật dài để người gặp nạn nhận được tín hiệu. Nhìn thấy đầu mẹ tôi nhô lên, anh vội thả neo xuống cho thuyền dứng lại rồi lao xuống dòng nước chảy xiết dìu mẹ tôi lên thuyền, để bà nằm dốc mặt xuống khoang cho nước trong bụng chảy ra. Sau đó, anh lại một lần nữa vật lộn với những đợt sóng hung hãn để cứu cha tôi nhưng đã không kịp nữa… Anh vội vã trèo lên thuyền tiếp tục hô hấp cho mẹ tôi, và lấy bộ quần áo khô duy nhất trong chiếc túi vải của anh thay cho bà. Chân tay anh run lên cầm cập, đôi môi thâm vì ngấm nước quá lâu nhưng anh vẫn ráng hết mình đốt bếp lửa sưởi ấm cho mẹ tôi. Anh bỏ vào nồi nửa lon gạo, nấu một tô cháo trắng với muối, chờ mẹ tôi tỉnh lại anh lựa lời động viên, an ủi khéo léo một người đang đau khổ và tuyệt vọng như mẹ tôi. Mẹ tôi lúc ấy không còn đủ sức để khóc lên thành tiếng, những giọt nước mắt cứ lặng lẽ lăn dài xuống đôi gò má nhăn nheo, rám nắng. Bà khóc vì thương ba tôi, khóc vì mình được sống lại giữa cõi chết để trở về với các con, khóc vì tấm lòng nhân ái, bao dung của một người thanh niên còn rất trẻ, anh đang cầm tô cháo nóng đút cho mẹ tôi từng muỗng…

(*) Anh Đinh Công Chính hiện là công nhân nhà máy 3, Công ty giày da Hiệp Hưng, TP HCM.
[/i]


admin đăng vào lúc 1:37 PM, ngày 05-11-2014.


BẾN ĐỖ
Mạch Thu Hương


Chiều. Bầu trời ảm đảm, xám xịt những áng mây bập bềnh trôi trên những tàn cây bạch đàn rũ lá. Tượng đài Tổ Quốc ghi công đứng thẳng, lặng lẽ, trang nghiêm.

Dưới đó, xung quanh là hàng hàng lớp lớp những nấm mồ liệt sĩ. Nơi nghìn thu yên nghỉ của những người con anh hùng đất nước. Bốn bức tường trắng toát, âm thầm ngăn cách đồng cỏ hoang tàn, vàng úa bên ngoài. Xa xa, những mái nhà nhấp nhô, chạy dài theo hai bên đường đất nâu sẫm, ngoằn ngoèo.

Bên trái nghĩa trang là một dòng sông chảy ngang phố huyện. Nó thản nhiên lăn tăn vỗ sóng dưới gầm cầu rêu mốc bám đầy. Trên dòng nước đục ngầu, vài ba chiếc thuyền con xuôi ngược. Bên kia cầu là một cái chợ chiều. Buổi sáng ở đó buồn tênh như ngôi nhà vắng chủ.

Đó là bức hoành tráng thê lương mà thân thuộc vô cùng của ba tôi, nơi ông chọn làm bến đỗ của dòng đời đã xế.

Ba tôi tạm trú trong một túp lều con ở phía sau phòng giáo dục, đối diện với nghĩa trang liệt sĩ, cách một con đường trải nhựa. Dù không ai thuê, ông vẫn để mắt trông chừng những căn phòng xám xịt, nền gạch loang lổ. Vào những ngày nghỉ, trông chúng như khu nhà thờ bỏ hoang từ lâu lắm. Hai hàng bạch đàn ủ rủ, ngậm ngùi phất phơ nhũng chiếc lá bàng bạc, xanh xanh. Chỉ cần con chó mực sủa lên một tiếng, ba tôi đã bươn bả chạy tới, đảo một vòng quanh đó, thở phào nhẹ nhỏm khi thấy ổ khoá to tướng còn nằm trơ trên cánh cửa vàng nhợt nhạt. Ông yên trí những quyển sổ dày cộp, mấy cái tủ hồ sơ, vài cái bàn, một cái máy đánh chữ cũ kỹ, lỗi thời, một quạt máy cánh sờn nhạt…vẫn còn nguyên!

Dù không ai thuê, ba tôi cũng trồng một hàng huệ trắng, mấy bụi cúc vàng, vài ba cây phù dung hoa đỏ… để làm đẹp nơi này. Ông yêu cái phòng giáo dục nghèo nàn vì yêu chúng tôi, những đứa con sống bằng nghề dạy học. Ba tôi muốn điểm tô cuộc sống lam lũ bằng những giọt mồ hôi thầm lặng.

Dù không ai thuê, chiều nào ba tôi cũng băng ngang lộ, đánh một vòng quanh nghĩa trang liệt sĩ. Ông quét là vàng bay lạc vào, nhổ những dây cỏ dại ngơ ngác bò lên lối đi lát gạch. Đôi khi, ông nghẹn ngào nhìn một người phủ phục trước mộ bia, mặt úp vào đôi tay, hai vai nhô lên, run rẩy theo tiếng nấc. Trước khi đêm tràn ngập chốn hoang tàn, cô quạnh, ba tôi đốt một bó nhang, cắm vào bình hương của từng ngôi mộ. Những sợi khói mỏng manh, hoà quyện vào nhau, cuống quít bay lên như những linh hồn chiến sĩ rủ nhau đi hái những vì sao nhấp nháy ẩn hiện phía chân trời.

Ba tôi bằng lòng với công việc không ai thuê đó. Mà dù người ta có thuê, ba tôi cũng từ chối thù lao. Ba tôi sống bằng tiền trợ cấp của sở lao động - thương binh và xã hội dành cho một người lính thương tật. Ai cũng lấy làm lạ và ái ngại cho ông. Người ta chẳng hiểu rồi ông sẽ vượt qua khó khăn bằng cách nào ?

Có lẽ hiểu rõ lòng ba tôi chính là những đồng đội, các liệt sĩ đã yên nghỉ trong nghĩa trang này. Ông yêu cuộc sống mà ông đã ra sức bảo vệ. Ông trân trọng những con người đã thật sự hy sinh cho mọi người. Và, ba tôi hy vọng, biết đâu, một trong những nấm mồ khuyết danh ở cuối góc nghĩa trang kia chính là ngôi mộ của một người mà ba yêu quý nhất đời, đã mất tích. Người đó là mẹ tôi!


admin đăng vào lúc 1:38 PM, ngày 05-11-2014.


CHUYỆN CỦA BA NGƯỜI
Lê Dân Sinh


Đó là chuyện của một bà lão, một thanh niên và một đứa bé.

Họ cùng với hai bà lão khác nương náu trong một căn nhà của trung tâm xã hội tỉnh. Căn nhà không rộng lắm, nhưng được bày biện rất gọn gàng. Kể ra, gọn gàng cũng phải, bởi tài sản của những người già yếu, tứ cố vô thân đâu có gì ngoài túm quần áo, năm ba cái tô chén, vài đôi đũa, vài cái soong nồi để sinh hoạt hằng ngày, có đáng là bao!

Bà lão đã hơn tám mươi, nay ốm mai đau, sống dật dờ như ngọn đèn treo trước gió. Gặp tôi, bà tỏ vẻ mừng rỡ, giọng thều thào tôi nào nghe được.

Còn đứa bé cứ ngây ra mà ngủ trong cái chuồng nho nhỏ.

Cũng nhờ tâm sự của anh thanh niên kia, tôi mới hiểu được nỗi bất hạnh của ba con người ấy. Nghe chuyện, nước mắt tôi cứ lưng tròng.

Bà lão anh gọi là vú, đứa bé anh gọi là con. Gọi vậy, người ta có thể hiểu ngay rằng bà lão là nội của đứa bé và là mẹ anh thanh niên. Nhưng không, ba người hoàn toàn xa lạ, nói trắng ra, họ đều là người dưng với nhau cả.

Chuyện kể ra cũng khá dông dài.

Bà lão mồ côi cha mẹ từ hồi nhỏ. Đến năm hai mươi tuổi bà chẳng chịu lập gia đình, buồn quá, bà khăn gói vào cô nhi viện sống nghề nuôi giữ trẻ.

Anh thanh niên gặp bà lão trong trường hợp đó.
Thời ấu thơ hồn nhiên của anh là một chuỗi ngày dài bất hạnh, đầy bi đát. Là đứa con bị ruồng bỏ từ lúc mới ra đời, anh sớm mất đi cái hơi ấm nồng nàn của mẹ, không được hạnh phúc ngậm bầu sữa mẹ, có đâu nghe được tiếng mẹ ru hời và làm gì có được tháng ngày sống trong vòng tay âu yếm của cha mẹ? Tuổi thơ lặng lẽ đi qua trong cô nhi viện. Người trực tiếp đùm bọc, nuôi dạy anh chính là bà lão. Công lao trời biển ấy anh không bao giờ quên được.

Những ngày đầu mới giải phóng, trong buổi giao thời ở cô nhi viện có sự thay đổi, xáo trộn. Số trẻ mồ côi khoẻ mạnh, bình thường thì được người ta lãnh nuôi, số trẻ tàn tật bỏ đi tứ tán. Bà lão và anh thanh niên trở nên lạc lõng. Biết về đâu bây giờ khi mà không có ai thân thuộc, nên họ đành ở lại trong căn phòng nhỏ của cô nhi viện. Lúc ấy, anh được mười lăm tuổi và bắt đầu phải vật lộn với cuộc sống bằng công việc làm thuê.

Không bao lâu, cô nhi viện bị xoá sổ. Trong lúc không chốn nương thân, bà lão lại phát bệnh. Bệnh viện tỉnh thương tình giúp đỡ thuốc men, điều trị và cho bà cùng anh ở nhờ.

Ngày ngày, không ngại cực khổ, anh làm thuê bất cứ công việc gì, chắt chiu từng đồng bạc để cùng bà lão sống lây lất qua ngày.

Đến năm 1991, người ta cho bà lão vô ở trong trung tâm xã hội tỉnh, anh không làm thuê nữa, mà đi bán bánh mì. Bà lão ngày thêm già yếu, mỗi lần bà ngã bệnh là anh đau xé lòng. Vốn, lời anh đều chắt mót mua thuốc cả. Có lần không đủ tiền, anh phải bán đổ, bán tháo cái tivi trắng đen mà anh đã dành dùm mấy năm trời mới mua được.

Tắm rửa, giặt giũ, chăm sóc bà lão là công việc vất vả hằng ngày, nhưng anh không hề than vãn, chỉ mong sao bà mạnh khoẻ là vui rồi.

Ngày tháng âm thầm qua mau.
Một hôm, người ta thấy anh thanh niên bồng đứa bé trai về nuôi. Hỏi ra, mọi người mới biết đó là phiên bản của cuộc đời anh. Thằng bé bị cha mẹ bỏ rơi trong bệnh viện. Đồng cảm với số phận đắng cay nghiệt ngã ấy, anh xin nó về nuôi nấng.

Biết ơn bà lão, đồng cảm với đứa bé mồ côi, anh lấy việc buôn bán kiếm sống hằng ngày làm nguồn an ủi. Đôi chân anh dường như đã lê khắp hang cùng ngõ cụt của thị xã Bến Tre nhỏ bé này.
Bốn mươi tuổi, vẫn không vợ (tình cảnh anh như thế, ai dám cùng anh xây dựng gia đình?), tương lai của anh vẫn là cái nghèo khổ, nhọc nhằn, vất vả và sống kiếp ở nhờ.

Một cảnh đời nghèo khó, ba số phận nghiệt ngã, đắng cay. Tất cả không họ hàng, thân thuộc. Thế mà, họ vẫn hình thành một mái ấm gia đình đủ ba thế hệ chung sống với nhau và mang cùng một họ. Bà lão tên là Nguyễn Thị Vọng. Lúc nuôi nấng, bà đặt tên anh thanh niên là Nguyễn Văn Don và rồi anh thanh niên nuôi đứa bé, anh khai sinh nó là Nguyễn Kim Thành.

Ba con người bất hạnh ấy nối kết với nhau bằng một “tài sản” vô giá : trái tim lương thiện của con người.


admin đăng vào lúc 1:39 PM, ngày 05-11-2014.


KHÔNG CHỈ SỐNG VÌ MÌNH
Trường Giang ( Ng. Thị Dũng)


Giữa năm 1994, túc trực bên mẹ ngày đêm ở khoa chiếu xạ, bệnh viện ung bướu, thầy Tân bao lần trào nước mắt bất lực nhìn những cơn đau vật vã của người mẹ già. Thầy ngửa mặt lên trời, cầu cùng trên trước “xin Trời Phật phù hộ cho mẹ con lành bệnh, con nguyện sẽ ở lại làm công quả cho bệnh viện, cụ thể là khoa phục nữ này năm năm…” Bệnh ung thư đã đến cấp độ 3 mấy ai chữa khỏi… Thầy đưa mẹ về nhà, tự tay sớm hôm săn sóc mẹ những ngày tháng cuối đời. Vợ thầy, con thầy không phải quên bổn phận dâu, cháu, mà vì thầy muốn mẹ được chăm sóc bằng chính tay đứa con trai mẹ đã rứt ruột sinh ra. Mẹ thầy nhắm mắt xuôi tay . Tang chế xong xuôi, thầy trở vào bệnh viện.

Mỗi ngày, từ lúc 5 giờ sáng người ta đã thấy thầy đi gom bình thuỷ của các bệnh nhân khoa chiếu xạ ra cổng mua nước sôi. Xong, thầy lại xách bốn xô nước máy để cuối phòng cho các bệnh nhân lau rửa. Rồi lại tất bật đến từng giường những người bệnh không có thân nhân đi theo chăm sóc để hỏi họ ăn gì thầy đi mua. Hôm nay bác sĩ cho đơn thuốc gì?…Thầy làm tất cả mọi việc mà người bệnh không tự mình đảm đương nổi. Từ chuyện đi mua đồ ăn, nước uống cho tới bao nhiêu chuyện dơ bẩn khác như đổ bô, tắm rửa, làm vệ sinh, giặt giũ, thầy không nề hà, không một cái nhíu mày cau mặt. Hơn cả người nhà, thầy Tân là người gần gũi với họ nhất, nhẹ nhàng, điềm đạm với họ nhất, những người phụ nữ trong cuộc chiến đấu với tử thần.

Một tháng ba chục ngày, thầy phải làm xong xuôi mọi việc trước 8 giờ rưỡi sáng để đến đúng giờ đó, thầy đạp xe đến lớp, thực thi bổn phận của một người thầy dạy Anh ngữ. Hai anh học trò thân cận nhất của thầy Tân, thương thầy vất vả cũng thu xếp công việc để dành thời gian rảnh rỗi tới giúp thầy. Chỉ một tuần lễ là mtừ thiên bên thầy đủ để họ quyết định…Vậy là thành một sư phụ với hai đệ tử đi làm công quả trong bệnh viện này.

Sáu giờ tối, kết thúc các cua dạy học của mình, ba thầy trò lại có mặt ở bệnh viện. Tất cả số tiền thầy làm ra, ngoài việc chi dùng cho các nhu cầu tối cần thiết của gia đình, thầy dành hết vào việc thuốc men, ăn uống cho bệnh nhân. Một phụ nữ Êđê nằm viện một thân một mình, bòn vét từng quả bơ, trái bắp, ôm cả con chó giữ nhà duy nhất xuống thành phố bán để lấy tiền nằm viện, không có tiền ăn cơm nói chi tiền mua thuốc. Thầy vét trong túi áo ra còn bảy chục ngàn, thầy đưa cho chị mười nghìn rồi cầm đơn thuốc chị đưa, thầy đi xuống quầy bán thuốc. Nắm bàn tay gầy guộc, khô đét của người phụ nữ miền núi, thầy động viên “Chị đừng khóc nữa. Sẽ hết bệnh để về với cái nương, cái rẫy mà”…

Mỗi tuần vào ngày thứ bảy, từ những đồng lương giáo viên của mình, ba thầy trò mua bột đậu xanh, đường gửi cho các bệnh nhân của khoa. Thầy nắm danh sách khoa còn rành hơn bác sĩ. Khoa này tổng số bao nhiêu bệnh nhân, mỗi phòng có mấy người, tên tuổi quê quán, hoàn cảnh, bệnh tình của mỗi người ra sao. Một thầy hai trò, sáng sáng lại đi gom, khuân một đống quần áo dơ bẩn của các nữ bệnh nhân không có người theo nuôi đi giặt. Nhiều người nàh gớm không giặt cũng đùn cho thầy, có người ỷ có thầy rồi bỏ về nhà luôn, không để lại một đồng tiền cắc bạc. Thầy vẫn vui vẻ giúp đỡ tất cả. Khi giặt đồ, ba thầy trò đứng dọc theo ba bồn, thầy đứng giặt ở bồn thứ nhất, nước đầu tiên, sau đó mới liệng qua anh kế tiếp. Thầy nhận luôn việc đi phơi và trả đồ cho từng bệnh nhân mà chưa hề làm lẫn lộn của ai.

Bệnh nhân khoa này, người họ gọi đến đầu tiên khi cần giúp đỡ là : “Thầy Tân ơi…” để được đáp lại ngày tức thời : “Cô (dì, má) cần gì con…?”

Chú Nguyễn Quang Phục, người nhà của cô Tiến từ Phú Mỹ, Bình Định vào đây chữa bệnh, kể lại :

Tôi là thằng đàn ông thương vợ, chăm sóc cho vợ mà người ta phải bầu là “người đàn ông trong năm” khi tôi theo nuôi vợ ở bệnh viện tâm thần Sông Ngang mà vô đây phải tự động đứng dưới thầy. Bảy tháng trời theo nuôi bà xã ở đây , tai tôi nghe, mắt tôi thấy những việc thầy làm, tôi kính phục và thương thầy quá. Cho nên tôi rất nóng mắt trước những thân nhân đi nuôi người bệnh mà gớm những thứ dơ bẩn rồi tránh xa, để thầy lẳng lặng hứng lấy. Nhiều lần tôi bất bình kêu người đó ra nói nặng “Sao lại có thể vô liêm sĩ mà lợi dụng lòng tốt của người ta quá như thế?”. Thầy nghe được lại chạy tới can, tôi xót xa cho thầy : “Thầy tốt quá, nhưng đừng để người ta lợi dụng như vậy rồi quay lại họ còn cười mình dại”. Thầy cười : “Kệ người ta anh à, tôi giúp là giúp những người bệnh, họ cần mình. Còn những người khoẻ mạnh, ăn ở ra sao, kệ họ. Phần lớn những bệnh nhân ở đây, rất ít người vào viện mà khoẻ mạnh trở ra. Những khi đớn đau vật vã lúc cuối đời, mình giúp đỡ an ủi được phần nào cũng làm giảm nhẹ nỗi đau thể xác, tinh thần cho họ được phần đó.”

Thầy làm công quả như bổn phận của thầy, vợ con thầy không thông cảm được và không thể nào chấp nhận nổi việc thầy cứ suốt ngày ở bên người bệnh ung thư, làm ra đồng tiền cắc bạc nào đem đổ hết cho những người không họ hàng quen biết. Con thầy rằn rựt :

Hồi đó ba hứa với Trời Phật là hứa nếu nội lành bệnh, chớ mà nội có lành đâu, mắc mớ gì ba phải vô trỏng làm công quả?

Con ơi, tất cả những việc làm bây giờ, không phải vì lời hứa với ai hết, mà vì những người bệnh đó họ cần ba. Con vô đó con coi, con mới biết con người ta tội nghiệp, con người ta đau khổ tới mức nào. Ba không thể sống sung sướng nếu như ba chỉ là một kẻ đi bố thí. Xin bà và các con, nếu không giúp tôi được thì hãy thông cảm, để tôi được tiếp tục…

Nắm tay người mẹ già xứ Kiên Giang, nhìn vào sắc mặt, thầy biết bà khó lòng qua khỏi. Thầy chạy vội ra chợ Bà Chiểu mua cho cụ một bộ quần áo mới. Đặt thau nước ấm xuống nền nhà thầy đỡ bà cụ dậy. Thấy một mình khó có thể làm vệ sinh cho cụ được, thầy hỏi : “Có ai là thân nhân của cụ không? Lại giúp tôi một tay”. Cô con gái út theo nuôi mẹ gớm máu mủ, gớm mùi nước tiểu bốc lên nồng nặc đứng trốn sau cánh cửa. Thầy hỏi đến hai lần vẫn không nghe ai đáp lời. Bệnh nhân trong phòng ào lên gọi tên, có người tức mình mắng cô con gái, cô ta khóc, chạy vụt xuống cầu thang. Người học trò vừa đi mua thuốc cho bệnh nhân vào, lật đật chạy lại giúp thầy. Lau rửa sạch sẻ, thay đồ mới cho bà cụ xong thầy ngồi trực bên cụ. Ba giờ sau, cụ ra đi. Trong thời khắc hấp hối, bà cụ không căn dặn lại được điều gì, chỉ dựa vào lòng thầy, nước mắt rỉ ra đục ngầu từ đôi mắt đã cạn : “Thầy ơi, tôi phụ ơn thầy, tôi…đi…tôi, cướp, cướp ơn thầy rồi!” . “Má!” - thầy trào nước mắt nghẹn ngào. Ba năm qua thầy có mặt ở các khoa này, trong bệnh viện này, bao nhiêu lần thầy đưa tiễn người bệnh - những con người thầy nâng đỡ từng bữa ăn giấc ngủ - ra đi, bao nhiêu người đã nói câu nói đó trong phút lâm chung. Thầy ôm lấy bà má Kiên Giang, ngửa mặt lên trời mà trào nước mắt. “Xin Phật Trời cho con khoẻ mạnh, để con suốt đời đi làm công quả!”

Lời người viết truyện :

Câu chuyện trên tôi viết về thầy Tân, người làm công quả ở bệnh viện Ung Bướu. Còn nếu như ai có thái độ giống tôi khi mới được nghe chuyện, “trăm nghe không bằng một thầy” thì xin hãy vào bệnh viện hỏi khoa phụ nữ thì từ người già đến con nít, họ sẽ tranh nhau nói cho bạn nghe, nói rất chi tiết, rất cụ thể. Và bạn sẽ được họ chỉ cho người đàn ông gần bốn mươi tuổi, dáng vẻ nhỏ nhắn thư sinh mang đôi kiếng cận, tánh tình hiền hậu, vui vẻ - người đàn ông mà không bao giờ chịu nói về mình, không cho biết họ tên, địa chỉ, không cho bạn giơ máy chụp một tấm


admin đăng vào lúc 1:39 PM, ngày 05-11-2014.

Thư viện online » Phòng đọc trực tuyến » Truyện ngắn » Tâm hồn cao thượng (nhiều tác giả)
Search: